Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp?

Các chuyên gia cũng nhận định, chính sự thay đổi về khí hậu, thiên tai, thảm họa, vấn đề đô thị hóa, di dân, môi trường sinh thái bị phá hủy… là những yếu tố thuận lợi cho các dịch bệnh phát sinh, phát triển, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp.


Đảm bảo vệ sinh ATTP và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh 
Tiêu chảy cấp là một dạng của tiêu chảy có thời gian kéo dài dưới 2 tuần. Khoảng 90% trường hợp tiêu chảy cấp có nguyên nhân do nhiễm trùng. Một số trường hợp tiêu chảy có thể nguy hiểm khi người bệnh bị tiêu chảy nhiều lần, mất nước nặng, dẫn đến suy thận, sốc mất nước (bệnh tả) hoặc dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng (nhiễm trùng huyết) ở một số trường hợp như trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch. Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể bị tử vong do chữa trị không đúng cách như dùng thuốc cầm tiêu chảy, không bù nước điện giải đầy đủ, không chú ý đến dinh dưỡng cho trẻ khi bị bệnh...

TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM phát biểu: “Khi bệnh nhân bị tiêu chảy thì khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ thực phẩm có giảm nhưng không bị ảnh hưởng nhiều và cơ thể vẫn cần năng lương để hoạt động. Do đó không cần thiết phải có chế độ kiêng cữ đặc biệt. Ngộ độc thức ăn chỉ xảy ra khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc chất. Nếu thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thì không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân tiêu chảy”.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường xảy ra vào những tháng mùa hè. Với những trường hợp tiêu chảy cấp nhẹ, không sốt, trẻ vẫn ăn uống được bình thường thì có thể chăm sóc tại nhà với chế độ ăn uống bình thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt cần uống dung dịch điện giải (ORS) để bù dịch. Nếu trẻ bị sốt cao, tiêu chảy nhiều lần hoặc phân có đàm, máu thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đối với trường hợp bị tiêu chảy cấp, nếu bệnh nhân đi ngoài nhiều lần trong ngày, kèm theo khát nước hoặc lờ đờ, mệt mỏi cần phải vào ngay bệnh viện để theo dõi điều trị.

Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, ngoài việc chăm sóc như trên thì cần lưu ý đến phòng ngừa lây lan trong gia đình bằng cách rửa tay trước khi ăn, khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh. Cho trẻ đi tiêu trong nhà vệ sinh, trường hợp phân trẻ dính vào nền nhà thì cần tẩy uế sạch sẽ bằng xà phòng và dung dịch khử khuẩn. Điều cần lưu ý là không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ, đặc biệt thuốc cầm tiêu chảy vì có thể làm cho bệnh trầm trọng.

Các thuốc cầm tiêu chảy thường làm giảm nhu động ruột khiến phân tiêu chảy tích tụ trong lòng ruột khiến cho những chất độc, vi khuẩn, chất thải cần loại ra ngoài bị ứ lại. Bụng trẻ sẽ bị căng chướng, ứ dịch, ứ hơi nên dễ bị nôn ói, không ăn uống được, không bù dịch bằng đường uống cho trẻ...

Theo PGS.TS Trần Như Dương, để phòng bệnh nói chung, trong đó có các bệnh nguy hiểm, trẻ em và người chăm sóc trẻ cần thiết phải thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh, người ốm nói chung.

Riêng đối với trẻ em, việc tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là hết sức quan trọng để chủ động phòng bệnh cho bé. Cần tiêm chủng đầy đủ cả các vaccine trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.

Những vấn đề cần lưu ý đề phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ:

- Tiêm chủng cho trẻ các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có thuốc chủng ngừa

- Thực hiện vệ sinh cá nhân cho trẻ, lưu ý rửa tay thường xuyên không để trẻ ngậm tay vào miệng. Lưu ý trong pha chế, bảo quản sữa, thức ăn phải bảo đảm hợp vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn

- Cho trẻ ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Khi trẻ có biểu hiện như sốt, tiêu chảy, nôn ói, đau đầu... thì nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, tránh tự ý mua thuốc dùng cho trẻ.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ