Cần sử dụng thận trọng thuốc Đông y khi bị bệnh
Mua thuốc Đông y dễ như “mua rau” ngoài chợ?
Lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y kết hợp với Tây y
Các bài thuốc Đông y điều trị hiệu quả bệnh u xơ tử cung
Phát hiện chất độc chết người trong thuốc Đông y Trung Quốc
Anh Nguyễn Văn T trú tại Ninh Bình bị bệnh vẩy nến mạn tính. Chữa Tây y vài năm không đỡ nên anh T được người quen giới thiệu đi uống thuốc Nam. Anh mua thuốc Nam đã được sắc sẵn đóng túi mang về tự uống. Sau hai tháng uống thuốc, anh thấy người mệt, phù và không đi tiểu được. Một tuần liền không đi tiểu anh mới đến bệnh viện khám. Kết quả bác sĩ chẩn đoán anh bị suy thận độ 3 và phải chạy thận lọc máu. Sau 1 tháng điều trị suy thận cấp, đến nay mỗi tuần anh T phải vào viện lọc máu hai lần.
Trường hợp khác là bà Đinh Thị T, 51 tuổi bị đau dây thần kinh tọa. Không điều trị bằng Tây y, mà bà đến nhà thầy lang cắt 9 thang thuốc Bắc. Uống xong 9 thang trong 18 ngày, bệnh nhân thấy bứt rứt, khó chịu, ban đỏ đầy người, ngứa như móc thịt, rồi nổi mụn nước và bọng nước toàn thân.
Bệnh nhân bị dị ứng thuốc Đông y. Ảnh: PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn
Theo thống kê, Khoa Dị ứng – Miễn dịch Lâm sàng (DƯ - MDLS) của bệnh viện Bạch Mai, số lượng người cấp cứu do tai biến khi dùng thuốc Đông y không nhỏ. Trung bình mỗi tháng có hàng chục trường hợp bệnh nhân tới khám và điều trị vì dị ứng và nhiễm độc với thuốc Đông y.
Nguyên nhân nào gây ra ngộ độc thuốc Đông y?
Trong nhiều cuộc điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, rất nhiều sản phẩm gắn mác Đông y có trộn cả thành phần giảm đau, kháng viêm siêu tốc như morphin, corticoid,… Những sản phẩm này giúp bệnh nhân giảm đau, hết viêm chỉ sau vài ngày nhưng hậu quả của nó mang lại cho người bệnh không phải là ít. Đã có rất nhiều bệnh nhân bị loãng xương, nhiễm lao, đục tủy tinh thế mắt, da xơ teo, xuất huyết dạ dày, suy hô hấp, nghiện thuốc,… Tất cả các sản phẩm trên rất đa dạng về hình thức và cách sử dụng như dạng viên nén, thuốc thang, cao đơn hoàng tán,… Hầu hết, người bán đều đánh vào tâm lý tin cậy tuyệt đối của người bệnh là thuốc dễ dàng sử dụng, an toàn, không có tác dụng phụ, đồng thời giảm đau và chữa được bệnh.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, Phó Trưởng khoa DƯ - MDLS, Bệnh viện Bạch Mai, dù là thuốc Đông y hay thuốc Tây y thì đều có chung tác dụng là điều hòa các rối loạn chức năng và trị bệnh. Thuốc Tây y là dạng được tổng hợp từ các hoạt chất, hóa dược theo công nghệ hiện đại, hiệu quả tập trung, tác dụng nhanh. Còn mỗi một bài thuốc Đông y có hàng chục vị với rất nhiều dược chất khác nhau. Nếu người thầy thuốc với hiểu biết rộng, có kinh nghiệm, lại biết kết hợp và điều chỉnh các vị thuốc hợp lý, tài tình thì thuốc Đông y sẽ có tác dụng tốt. Còn ngược lại, có thể gây dị ứng, nhiễm độc... và hậu quả khôn lường. Một điểm đáng lưu ý là nhiều bệnh nhân không phải bị dị ứng, nhiễm độc do các hoạt chất trong dược liệu Đông y mà lại do hậu quả của những hóa chất dùng trong quá trình bảo quản các kho thuốc như lưu huỳnh, diêm sinh... để chống ẩm, chống nấm mốc...
Theo ông Phạm Việt Hoàng – Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thì bình thường thuốc đông y rất tốt, giúp cải thiện sức khoẻ, nâng cao thể trạng, đồng thời giúp điều trị bệnh tật. Ngày trước, thuốc đông y Việt Nam không bao giờ có chuyện chứa chất bảo quản, trộn tân dược nhưng hiện nay thuốc Trung Quốc nhập vào rất nhiều nên người dùng/người bệnh phải cảnh giác vì rất dễ gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm. Ngoài ra, thuốc đông y của Trung Quốc thường có tồn dư chất bảo vệ thực vật cao và chứa hàm lượng kim loại nặng rất lớn, dễ dàng gây ra các loại bệnh mạn tính nguy hiểm cho người dùng như suy gan, suy thận, và các biến chứng bệnh tim mạch.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Đông y
Không được tùy tiện tự sử dụng thuốc Đông y để điều trị bệnh
Lời khuyên của TTND.BS. Nguyễn Văn Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, sử dụng thuốc Đông y phải với tinh thần "dùng thuốc như dùng binh", nghĩa là chỉ khi nào có bệnh mới dùng thuốc, bệnh gì điều trị bằng thuốc nấy chứ không cắt thuốc bổ bừa bãi, đã uống thuốc phải tới khám và được tư vấn, bắt mạch cẩn thận, không nhờ người nhà cắt thuốc hộ. Sử dụng một số vị thuốc trong Đông y như nhân sâm, mật gấu, cao hổ cốt vẫn cần hướng dẫn của thầy thuốc để tránh bị ngộ độc hoặc tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt cần biết rõ nguồn gốc của dược liệu và chỉ nên mua thuốc tại các địa chỉ uy tín. Đồng thời, cần lưu ý khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, dù đó là thuốc Đông y hay Tây y để bồi dưỡng hay chữa bệnh, nếu thấy người có ban đỏ, mẩn ngứa hay những dấu hiệu khác thường thì bệnh nhân cần phải đến các cơ sở y tế ngay để khám và điều trị kịp thời, tránh dùng lại thuốc cũ, hoặc mua thêm thuốc mới tiếp tục tự điều trị, như thế bệnh chính không khỏi mà có khi còn mang thêm tai họa mới.
Bình luận của bạn