Tại sao vaccine tốt nhất lại là vaccine được tiêm sớm nhất?

Việc tiêm vaccine là một trong các giải pháp hiệu quả nhất để chống dịch COVID-19 hiện nay

Rà soát các vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ tiêm nhầm vaccine COVID-19 cho trẻ sơ sinh ở Hà Nội

AstraZeneca: Câu chuyện về cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford

Israel xác định được nguyên nhân người bệnh COVID-19 bị đau tim, đột quỵ

Trong buổi tọa đàm thứ hai thuộc chuỗi sự kiện của chiến dịch truyền thông “Tiêm vaccine - Vững niềm tin” do Bộ Y tế tổ chức, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân như kế hoạch và tiến độ tiêm, vai trò và ý nghĩa của tiêm chủng vaccine phòng COVID-19:

Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có bắt buộc hay không?

GS.TS. Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương:

Hiện ở Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn quốc. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Trong chiến dịch này, chúng tôi mong muốn tiêm chủng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên với các vaccine COVID-19 đã được phê duyệt tại Việt Nam.

Vì việc tiêm là hoàn toàn tự nguyện, nên những người tham gia tiêm chủng cần ký phiếu đồng ý tham gia. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi hy vọng tất cả người dân hưởng ứng, tham gia chiến dịch tiêm chủng này để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt nhất.

Người dân có được chọn loại vaccine để tiêm không?

GS.TS. Đặng Đức Anh:

Hiện ở Việt Nam, Bộ Y tế đã phê duyệt 8 loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau. Tùy từng thời điểm mà có các loại vaccine khác nhau để tiêm cho người dân. Hiện cũng có những ứng dụng để người dân có thể đăng ký trực tiếp, hoặc đăng ký qua các cơ sở y tế.

Khi tới thời gian tiêm, chúng tôi hy vọng người dân đi tiêm mà không phụ thuộc vào loại vaccine nào. Thường tất cả các vaccine đã được phê duyệt đều có chất lượng tốt, an toàn và có thể tiêm được.

Các loại vaccine đã được phê duyệt tại Việt Nam đều có chất lượng tốt, an toàn

Sau khi tiêm vaccine sẽ thường gặp phải những phản ứng gì? Đâu là những phản ứng bình thường, đâu là những phản ứng cần lưu tâm để xử lý kịp thời?

PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp Sự kiện Y tế Công cộng Việt Nam:

Tất cả vaccine đều có những tác dụng phụ không mong muốn, không ngoại trừ vaccine COVID-19. Các phản ứng thông thường có thể kể tới như đau tại vết tiêm, sốt, người ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi. Phản ứng nặng có sốc phản vệ cấp độ 1, 2, 3, thậm chí có cả tử vong.

Thông qua việc tiêm vaccine trong nhiều năm qua, cũng như những đợt tiêm vaccine COVID-19 trong thời gian gần đây, chúng tôi có đánh giá các rủi ro trên rất thấp. Do đó, việc viêm vaccine là rất cần thiết.

Những người đi tiêm vẫn được dặn dò cần chú ý tự theo dõi sức khỏe tại nhà, chú ý tới các phản ứng sau tiêm. Trong trường hợp chỉ là các tác dụng phụ thường gặp, ví dụ như sốt cao trên 38,5oC có thể uống thuốc paracetamol theo liều chỉ định. Tuy nhiên, nếu có phản ứng dị ứng, dấu hiệu sốc phản vệ… bạn nên chủ động đi tới cơ sở y tế ngay.

Tại sao bắt buộc phải khám sàng lọc trước khi tiêm?

PGS.TS. Trần Đắc Phu:

Khi tiêm vaccine, một số người có thể gặp phải các phản ứng nặng. Do đó, việc khám sàng lọc có thể giúp hạn chế được các rủi ro đó. Trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn khám sàng lọc cho người lớn, cách đây vài ngày có thêm hướng dẫn khám sàng lọc cho trẻ em.

Khám sàng lọc trước khi tiêm giúp hạn chế các trường hợp có thể gặp phải phản ứng nghiêm trọng

Việc sàng lọc sẽ được tiến hành thông qua phiếu sàng lọc. Theo đó, nếu nhận thấy có các vấn đề cần khám sàng lọc trong phiếu của người đi tiêm, cán bộ y tế có thể tiến hành thăm khám kỹ hơn, từ đó xác định được các đối tượng chống chỉ định, đối tượng cần trì hoãn tiêm, đối tượng có thể tiêm ngay tại điểm tiêm hay cần phải tới tiêm tại các cơ sở y tế, bệnh viện lớn…

Việc khám sàng lọc cũng giúp các các bộ y tế biết được lịch sử dịch tễ của người đi tiêm, từ đó có thể dặn dò người dân cảnh giác với các triệu chứng bất thường (như tê lưỡi, dấu hiệu dị ứng, dấu hiệu sức khỏe bất thường…) cần đến cơ sở y tế ngay. Có thể nói, việc khám sàng lọc, cũng như việc dặn dò sau tiêm là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho người đi tiêm.

Tại sao vaccine tốt nhất lại là vaccine được tiêm sớm nhất?

Bác sỹ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM:

Để chống dịch COVID-19 thì vai trò của vaccine là rất quan trọng. Tất cả các biện pháp 5K như giãn cách hay hạn chế ra đường… đều là các biện pháp thụ động. Trong khi đó, vai trò của vaccine quyết định tất cả.

Hiện chưa thể có một loại vaccine chung cho tất cả mọi người vì nguồn vaccine rất khó kiếm. Do đó, chúng ta có rất nhiều loại vaccine khác nhau. Điều quan trọng nhất trong việc tiêm vaccine là số người tiêm 1 mũi, rồi 2 mũi càng nhiều càng tốt.

Cho tới khi có nhiều sự lựa chọn hơn, chúng ta mới có thể lựa chọn vaccine khi tiêm. Còn hiện nay, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.


Sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt đối với những người đã tiêm đủ liều có cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa không?

Bác sỹ Trương Hữu Khanh:

Chúng ta không thể phủ hết vaccine trong thời gian ngắn. Hiện đã có những người tiêm đủ 2 mũi, nhưng cũng có những người mới chỉ tiêm được 1 mũi. Do đó, ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi, người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Nguyên nhân là bởi bạn không thể biết mọi người xung quanh đã tiêm đủ 2 mũi chưa, có chắc bản thân mình hay người đối diện có mang mầm bệnh hay không, có thể lây lan cho người khác hay không.

Phải thực hiện 5K thường xuyên, tùy thuộc vào hướng dẫn của địa phương. Theo tôi, có 2K quan trọng nhất là khẩu trang và rửa tay có lẽ còn lâu nữa chúng ta mới bỏ được. Đeo khẩu trang phải đúng cách, tức là không hở mũi và cằm, tốt nhất là kín 2 bên. Không kéo khẩu trang lên xuống, ví dụ như khi nói chuyện. Bạn có thể hít sâu, thở ra từ từ để chống mệt, khó chịu khi đeo khẩu trang. Khi tới những môi trường nghi ngờ có nguồn lây, người dân cần đeo khẩu trang để đảm bảo phòng dịch.

Với việc rửa tay, sau khi chạm vào một vật gì đó mà bạn cảm thấy không an toàn, có khả năng có mầm bệnh, tốt hơn hết hãy nhanh chóng rửa tay. Rửa tay cần thực hiện kỹ lưỡng, chú ý tới cả những khu vực như đầu ngón tay, kẽ ngón tay... Bạn có thể rửa tay bằng dung dịch sát trùng nhanh hoặc xà phòng và nước.

Rửa tay thường xuyên là một trong những thói quen giúp phòng COVID-19 tốt

Với 2K nói trên, nếu bạn duy trì được thành thói quen có thể giúp ngừa được rất nhiều bệnh tật, chứ không riêng gì COVID-19.

Tiến trình bao phủ vaccine tại Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

GS.TS. Đặng Đức Anh trả lời:

Mục tiêu của chúng ta là tiêm cho tất cả những người 18 tuổi trở lên. Dân số Việt Nam hiện khoảng 70 triệu người trong nhóm này. Mỗi người cần được tiêm 2 mũi để bao phủ vaccine. Như vậy, chúng ta cần tiêm khoảng 140 - 145 triệu mũi tiêm để hoàn thành mục tiêu này.

Cho tới cuối tháng 10, đã có những ngày chúng ta tiêm được 1,5 triệu, có ngày cao nhất tiêm được 2 triệu mũi tiêm. Theo số liệu của chúng tôi, hiện nay tiêm chúng ta đã tiêm được khoảng 80 triệu mũi tiêm, trong đó có khoảng gần 58 triệu người được tiêm 1 mũi, khoảng 25 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.

Với mục tiêu tiêm bao phủ ít nhất là mũi 1 cho 70 triệu người, chúng ta còn cần phải tiêm khoảng 12 triệu mũi nữa. Chúng tôi hy vọng với tốc độ tiêm chủng như hiện nay, từ giờ tới giữa tháng 11 sẽ bao phủ được 100% mũi 1 cho 70 triệu người, tiến tới bao phủ mũi 2.

Tại sao người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có thể mắc COVID-19?

PGS.TS. Trần Đắc Phu:

Trên thực tế, tùy vào từng loại vaccine mà hiệu quả phòng bệnh có thể khác nhau. Theo đó, có những vaccine được nhà sản xuất báo cáo với hiệu quả trên 90%, nhưng cũng có những loại vaccine với hiệu quả chỉ khoảng 60 - 70%.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vaccine phòng COVID-19 có giảm được nguy cơ lây lan, nhưng không triệt để 100%. Theo đó, một số người tiêm rồi vẫn có thể mắc COVID-19. Tuy nhiên, điều quan trọng là người đã tiêm vaccine có thể giảm được nguy cơ tiến triển nặng nếu không may mắc bệnh, từ đó không gây quá tải cho hệ thống y tế.

Những người đã tiêm vaccine vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng khác để bảo vệ cho chính mình, cho gia đình và cộng đồng.

Phụ nữ đang mang thai có được tiêm vaccine không?

Bác sỹ Trương Hữu Khanh:

Phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ dễ bị chuyển nặng nếu không may mắc COVID-19. Mắc COVID-19 cũng khiến dinh dưỡng của bà bầu kém hơn, khiến trẻ nhẹ cân và có nguy cơ dễ sinh non. Việc tiêm vaccine hoàn toàn không ảnh hưởng tới thai nhi. Do đó, phụ nữ đang có thai nên nhanh chóng tiêm vaccine phòng COVID-19.

Người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh có cần phải tiêm vaccine nữa hay không?

Bác sỹ Trương Hữu Khanh:

Người bệnh COVID-19 đã khỏi bệnh vẫn có thể tiêm vaccine bình thường. Theo đó, việc tiêm phòng nên được thực hiện sau 6 tháng kể từ khi khỏi bệnh để bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng.

Vi Bùi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội