Empty
Empty

Cô gái “đêm giao thừa” là cách tôi vẫn thường gọi Phạm Anh Thư – cô sinh viên nhỏ bé đã được ghép phổi chiều 30 Tết âm lịch (8/2/2024) tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Nhìn cô gái nhỏ nhắn, có chút bẽn lẽn ngồi trên hàng ghế, tôi chợt nhận ra cô. Nói chuyện với Anh Thư, tôi mới nhận thấy rằng, dường như mình đã đang bỏ lỡ một điều gì. Thư nói, “Em biết ơn những người đã đăng ký hiến tạng, bởi nhờ có họ, em mới được trở lại cuộc sống một cách mạnh khỏe như thế này. Em biết ơn họ.”

Thư nói đúng. Cô gái nhỏ nhắn những ngày đầu năm vẫn nằm trên giường bệnh, giờ đã có thể rắn rỏi hít thở, tự mình di chuyển từ Thái Nguyên vào Sài Gòn một mình để chứng minh cho mọi người thấy, chỉ cần có hy vọng, hạnh phúc sẽ tới. Niềm hy vọng đó của Thư như lan tỏa, khi em đứng trên sân khấu chia sẻ cảm xúc của mình.

Empty

18h chiều ngày 30 Tết (8/2/2024), Anh Thư được đưa vào phòng mổ, sáng mùng 1 Tết (9/2/2024), cô đã tự thở được. Và hiện giờ, cô có thể trở lại với giảng đường, tham gia CLB của nhà trường, hát cùng các bạn trên sân khấu.

Empty

Hay như trường hợp hai vợ chồng ông Nguyễn Xuân Khu (Thái Nguyên) - bố người hiến tạng Nguyễn Thành Trung đã cứu sống được 5 người. Ông Khu xúc động không nói nên lời. Ông đã đồng ý hiến tạng cậu con trai không may bị tai nạn mất sớm của mình để hồi sinh 5 cuộc đời. Ông nói, “Hôm qua, khi tôi đi cùng với cháu Anh Thư từ Thái Nguyên vào đây, nhìn cháu khỏe mạnh, tôi thực sự xúc động. Cháu Thư không nhận tạng từ con trai tôi, nhưng sự khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc của cháu trong cuộc đời phía trước càng khiến tôi cảm nhận được sự đúng đắn trong quyết định của mình. Tôi đã giúp con trai tôi được nối dài sự sống một cách có ý nghĩa.” Những lời của ông Khu đã khiến cả hội trường xúc động. Không chỉ vậy, sau khi hiến tạng con trai, chính vợ chồng ông Khu cũng đã đăng ký hiến tạng của mình.

Empty

Tôi còn gặp Thùy Dương – mẹ cô bé Hải An, thiên thần nhỏ 7 tuổi đã hiến hai giác mạc. Thùy Dương trong buổi Lễ phát động hôm nay là một tình nguyện viên của ban tổ chức. Cô phụ trách đưa đón những người nhận tạng hiến và gia đình những người hiến tạng, sắp xếp chỗ ngồi cho mọi người. Người phụ nữ trẻ năng động, nhanh nhẹn xử lý mọi phát sinh trong hội trường. Dù không được nói chuyện với Thùy Dương, nhưng lại nhìn thấy nhiệt huyết của cô với hoạt động cộng đồng, tôi không khỏi xúc động. Có lẽ, những hành động của Thùy Dương là minh chứng cho niềm tin, niềm hy vọng và sự nối dài những cuộc đời.

SK+ Hien tang 2025-07
Empty

Rời khỏi sự kiện, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi đã hỏi cô con gái 17 tuổi của mình rằng, “Nếu mẹ đăng ký hiến tạng, con có đồng ý không?” Con gái tôi đã không ngại ngần đồng ý. Lúc tôi giải thích về quy trình hiến tạng và những việc cần làm của người đăng ký hiến tạng khi chết não, tôi mới biết, hóa ra con gái tôi đã được truyền thông về hiến tặng mô tạng, hiểu về ý nghĩa của việc làm này ở trường học, thông qua các phương tiện truyền thông và thông qua bạn bè. Cháu hiểu, hiến tặng mô tạng là một hành động đẹp, đáng được trân trọng.

Tôi chợt nhớ tới những điều PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói trong một buổi trả lời phỏng vấn. Chị nói rằng, số người hiến tặng mô tạng ở Việt Nam còn thấp, nên cần tăng cường truyền thông để mọi người hiểu ý nghĩa của việc làm này. Và để làm được việc này, cần tăng cường truyền thông cho thế hệ trẻ, thế hệ còn ngồi trên ghế học đường. Câu chuyện hiến tặng mô tạng, giúp đỡ mọi người có lẽ đã được đưa vào trong bài giảng học đường như thế. Và những cô cậu học trò đang trong tuổi lớn đã, đang và sẽ được tìm hiểu, hướng dẫn để hiểu về một việc làm nhân văn.

Đó là lý do con gái tôi không phản đối khi tôi đăng ký hiến tạng.

Và tôi cũng sẽ như vậy.

Việt Nam là một quốc gia Phật giáo, người dân tin theo đạo Phật, tin theo truyền thống thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách, coi trọng lòng từ bi, cứu giúp chúng sinh và không chấp nhận các hành động gây tổn hại đến người khác. Chính vì vậy, Phật giáo thường ủng hộ hiến tạng như một hành động vị tha và tích đức. Hòa thượng Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chia sẻ: “Hiến mô tạng cứu người là hành động thể hiện tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo. Tinh thần và lời dạy của Phật, với triết lý từ bi cứu khổ, luôn đề cao giá trị sống và khuyến khích hành động vị tha, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loại người. Tư tưởng Kinh Bát Nhã Ba La Mật dạy về “bố thí nội tài”, kêu gọi cộng đồng Phật giáo sẵn sàng hiến tặng những gì quý giá nhất của bản thân, để giúp con người. Hiến mô, tạng chính là hiện thực hóa tinh thần “bố thí nội tài”, là sự chuyển giao sinh mệnh, nối dài yêu thương, cho phép sự sống được tiếp nối…”

Và mỗi hành động đẹp sẽ là món quà vô giá trao tặng những con người đang đứng giữa lằn ranh sinh tử, là một minh chứng cho tinh thần nhân ái bất diệt của con người Viêt Nam, là hành trình gieo hy vọng, lan tỏa yêu thương và tạo nên những điều kỳ diệu.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tôi chia sẻ