Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023

100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023 - Ảnh: Báo Nhân dân

Lợi ích từ việc hiến máu mà bạn nên biết

Bộ trưởng Y tế làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện

MSD Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Hiến máu

Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam tham gia hiến máu tình nguyện

Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương vừa tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí giới thiệu chương trình Tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Đây là năm thứ 15 hoạt động này được tổ chức ở nước ta kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động Hiện máu tình nguyện năm 2008.

Trong số 100 người hiến máu tình nguyện được tôn vinh năm nay, tình nguyện viên lớn tuổi nhất là 61 tuổi và trẻ nhất là 22 tuổi. Có 10 đại biểu đã hiến máu từ 19 - 29 lần, 60 đại biểu đã hiến máu từ 30 - 49 lần, 20 đại biểu đã hiến từ 50 - 69 lần, 8 đại biểu đã hiến từ 70 - 99 lần, 2 đại biểu hiến từ 100 lần trở lên. Tổng số 100 đại biểu có số lần hiến máu, hiến tiểu cầu lên đến gần 4.500 đơn vị.

Thông điệp của chương trình tôn vinh năm nay theo chủ đề ngày Quốc tế người hiến máu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là “Thường xuyên hiến máu, hiến huyết tương. Chia sẻ yêu thương, trao sự sống” (Give blood, give plasma. Share life, share often). Thông điệp này nhằm kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu, hiến các thành phần máu thường xuyên, trong đó có huyết tương. Cùng với các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu) thì huyết tương cũng là thành phần máu quan trọng, chứa nhiều chất rất cần thiết với sự phát triển và chuyển hóa của cơ thể.

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh giải đáp thắc mắc của phóng viên báo chí và người hiến máu - Ảnh: Viện Huyết học

PGS.TS Nguyễn Hà Thanh giải đáp thắc mắc của phóng viên báo chí và người hiến máu - Ảnh: Viện Huyết học

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết: "Ở nhiều nước trên thế giới, hiến huyết tương gạn tách tương đối phổ biến. Tại Việt Nam, hiến huyết tương chưa được triển khai rộng rãi như hiến tiểu cầu, nhưng là xu hướng được ngành Huyết học - Truyền máu hướng tới. Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến lâu hơn, nhưng bù lại chỉ cần sau 2-3 tuần có thể hiến nhắc lại. Qua rất nhiều năm thì đến nay, nhận thức của tất cả các tầng lớp nhân dân cả nước về hiến máu, hiến thành phần máu đã có có sự thay đổi cơ bản”.

Chuỗi các hoạt động tôn vinh năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày (27/7-29/7) tại Hà Nội và Phú Thọ, gồm có: Giao lưu và tặng quà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn cần được truyền máu; Gala “Hội ngộ ba miền”, Hành trình “Về miền Đất Tổ” dâng hương, báo công các Vua Hùng; Lễ báo công dâng Bác; Dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Bắc Sơn; Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Trước khi kết thúc, chiều 29/7, Thủ tướng sẽ gặp mặt các đại biểu của phong trào hiến máu tình nguyện toàn quốc.

 

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo quốc gia, năm 2022, lượng máu vận động và tiếp nhận trên toàn quốc đạt trên 1,43 triệu đơn vị, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu. Đến 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã vận động được 900.000 đơn vị máu thông qua các chiến dịch vận động, Lễ hội Xuân Hồng, Hành trình đỏ.

Lê Tuyết (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội