Nhân viên Viện Huyết học chụp ảnh cùng người tham gia hiến máu - Ảnh: Lê Tuyết
Ngày Hiến máu Thế giới: Tại sao bạn nên đi hiến máu?
MSD Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Ngày hội Hiến máu
Bộ trưởng Y tế làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện
Cấy ghép tim của người hiến mắc COVID-19 có nguy cơ hay không?
Những lợi ích từ việc hiến máu
Theo Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, hiến máu tình nguyện không chỉ giúp cứu sống vô số bệnh nhân, mà còn có lợi cho người hiến máu. Dưới đây là những lợi ích từ việc hiến máu bạn nên biết:
- Hiến máu giúp tinh thần tích cực: Lợi ích của hiến máu đầu tiên là giúp người hiến máu có những trải nghiệm tâm lý và tinh thần thú vị. Hiến máu đem lại cho người hiến cảm giác tự hào và hạnh phúc vì hành động của bạn có thể cứu giúp tính mạng của ai đó. Phần máu bạn hiến được tách thành nhiều thành phần theo nhu cầu của bệnh nhân. Các thành phần đó có thể được truyền cho những người nhận khác nhau.
- Người hiến tặng được kiểm tra, tư vấn sức khỏe miễn phí: Mặc dù không thể so sánh với một buổi kiểm tra sức khỏe toàn diện, nhưng việc hiến máu cũng sẽ giúp bạn hiểu được phần nào về sức khỏe của mình. Trước khi hiến máu, người hiến máu được kiểm tra huyết áp, mạch đập, nhiệt độ cơ thể, nồng độ hemoglobin và nhiều yếu tố khác. Hơn nữa, xét nghiệm sàng lọc còn giúp phát hiện ra các bệnh lây nhiễm và các vấn đề sức khỏe khác.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai quà tặng cho người hiến máu là các gói xét nghiệm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe thay cho các gói quà lưu niệm dành cho người hiến máu. Thông qua việc lựa chọn các gói xét nghiệm phù hợp qua mỗi lần hiến máu, người hiến máu có thể nắm bắt và theo dõi kết quả xét nghiệm cũng như sức khỏe của mình.
- Hiến máu giúp giảm tải nồng độ sắt dư trong cơ thể: Theo các nghiên cứu, mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200 - 400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Lượng huyết sắc tố bị tiêu hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần tồn tại trong cơ thể, là kho dự trữ. Hiến máu làm giảm lượng sắt dư thừa và những người hiến máu thường xuyên sẽ giúp quá trình thải sắt thuận lợi.
- Hiến máu giúp tái tạo máu mới: Mỗi lần hiến máu là cho đi, mất đi nhiều thành phần như: Hồng cầu, tiểu cầu, đường huyết, cholesterol, sắt, kali… Nhờ đó, hiến máu giúp thanh thải và giảm gánh nặng thoái hóa cho cơ thể. Việc hiến máu còn là “sức ép” cho cơ thể sinh máu mới, nhất là hồng cầu để bù cho lượng hồng cầu đã hiến đi, qua đây kích thích tủy xương tăng sinh máu.
- Hiến máu làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Sự có mặt quá nhiều của sắt trong máu làm thúc đẩy quá trình oxy hóa cholesterol. Sản phẩm của quá trình này lắng đọng ở lớp dưới nội mô mạch máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện mảng xơ vữa mạch máu. Đây là một trong những nguyên nhân gây các cơn đau tim và đột quỵ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiến máu thường xuyên sẽ góp phần giảm ứ đọng sắt, nhờ đó giúp giảm nguy cơ xuất hiện các cơn đột quỵ, tim mạch.
- Hiến máu làm tăng quá trình đốt cháy calo, hỗ trợ giảm cân: Theo một nghiên cứu nhỏ của Đại học California (Mỹ), các chuyên gia chỉ ra bằng chứng rằng uớc tính mỗi lần hiến 450 ml máu có thể giúp đốt cháy 650 – 700 calo. Lượng calo này tương đương với việc bạn chạy bộ 10km. Đây là biện pháp hữu ích trong việc giảm cân ở những người có cân nặng trên mức trung bình.
- Người hiến tặng sở hữu “thẻ đảm bảo” tại ngân hàng máu sống: Mỗi lần hiến máu một lần người hiến máu gửi máu của mình vào ngân hàng máu. Khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, xuất trình giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện sẽ được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc.
Thực hư tin đồn hiến máu gây tăng cân?
Hiến máu nhân đạo đã trở thành hoạt động mang nhiều ý nghĩa, giúp ích cho xã hội và cộng đồng. Tuy nhiên, rất nhiều người nghi ngờ hiến máu có thể dẫn đến tăng cân.
Trước băn khoăn về nguy cơ tăng cân sau hiến máu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã có thông tin về mối liên quan hiến máu và cân nặng của cơ thể. Theo đó, việc hiến máu bản chất không ảnh hưởng đến cân nặng của mỗi người. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta nghĩ rằng cần phải tích cực bổ sung năng lượng và nghỉ ngơi nhiều hơn để giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Khi đó, việc hấp thu năng lượng nhiều hơn so với năng lượng tiêu hao. Đồng thời, cơ chế tăng sinh máu cũng sẽ kích thích ăn nhiều hơn, luôn có cảm giác ngon miệng, thèm ăn và ngủ tốt hơn. Tâm lý và thói quen này khiến một số người tăng cân nhẹ sau khi hiến máu. Nguyên nhân chính do chế độ ăn uống, sinh hoạt, chứ không phải trực tiếp do hiến máu.
Chia sẻ trên Zing.vn, Ths.BS Doãn Thị Tường Vi - Nguyên Phó viện trưởng Viện dinh dưỡng lâm sàng cho biết: "Đời sống hồng cầu thông thường chỉ kéo dài trong vòng 120 ngày. Bởi vậy, dù trong trường hợp không hiến máu, các tế bào hồng cầu cũng sẽ chết sau 120 ngày. Cơ thể sẽ liên tục sản sinh các tế bào hồng cầu mới và bù đắp lại". Bởi vậy, bác sỹ này cho rằng sau khi hiến máu, cơ thể chỉ kích thích chuyển hóa ở ngưỡng vừa đủ để gia tăng số lượng hồng cầu mất đi, không thể nhanh chóng làm tăng cân như những thông tin được truyền miệng.
Bạn cần lưu ý gì sau khi hiến máu?
Sau hiến máu bạn nên giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt bình thường. Điều này sẽ giúp duy trì sức khỏe và cân nặng không thay đổi. Tăng cường sử dụng các chất dinh dưỡng bổ máu: Thịt, gan, trứng, sữa. Có thể dùng thêm các thuốc bổ máu (nên tham khảo ý kiến bác sỹ).
Ngay sau hiến máu, cần uống nhiều nước để bổ sung lại thể tích bị mất khi hiến máu. Trong vòng 48h sau hiến máu bạn nên tránh thức khuya, tránh dùng các chất kích thích (như rượu, bia), tránh nâng vật nặng bằng tay mới hiến máu, tránh các hoạt động đòi hỏi nhiều thể lực (như thi đấu thể thao, đá bóng, tập thể hình, leo trèo cao…).
Bình luận của bạn