Bệnh truyền nhiễm lây lan ở trẻ là nỗi lo của toàn xã hội (ảnh chụp tại khoa
nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) - Ảnh: Quang Định
Chủng mới nguy hiểm
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virút gây bệnh tay chân miệng, ngay cả đối với các chủng virút "hiền" thuộc subtype C. Sự xuất hiện của chủng virút có độc tính cao có thể lý giải phần nào cho tình trạng có đông người mắc bệnh tay chân miệng, nhiều tử vong và nhiều địa phương bị ảnh hưởng.
Ở những ca bệnh sốt xuất huyết nặng, vào sốc sớm, hay xuất hiện ở người lớn, đã phát hiện virút dengue type 3 thay vì type 1 và 2 như trước kia. Như vậy, có thể thấy rằng sự xuất hiện chủng virút mới đã làm bệnh sốt xuất huyết trở nên nặng hơn và phức tạp hơn trong vài năm trở lại đây.
Xuất hiện những chủng vi trùng, ký sinh trùng đề kháng với tất cả những thuốc điều trị hiện có như vi trùng lao kháng với tất cả thuốc kháng lao, những người kém may mắn nhiễm phải loại vi trùng lao này coi như "biết được tương lai".
Ở các tỉnh Tây nguyên đã phân lập được ký sinh trùng sốt rét đề kháng với các thuốc điều trị sốt rét. Điều này lý giải cho tình trạng sau nhiều năm không có bệnh nhân sốt rét, gần đây các con số thống kê dịch tễ cho thấy sốt rét đang rậm rịch tăng trở lại ở Tây nguyên và các tỉnh thành Nam bộ.
Sự xuất hiện những virút mới làm cho việc đối phó với chúng hết sức khó khăn vì chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm như cúm A H7N9, H10N8...
Cần có chiến lược bài bản
Rõ ràng chúng ta đang ở trong một bối cảnh không mấy sáng sủa cho việc can thiệp và khống chế các bệnh truyền nhiễm. Bối cảnh này đòi hỏi những hoạt động phòng chống phải chủ động và căn cơ hơn. Thay vì những hoạt động đối phó mang tính tình thế như khi có dịch sởi xảy ra mới mang tiền đi mua văcxin về tiêm cho trẻ em.
Hay bằng các hoạt động giám sát miễn dịch trong cộng đồng, khi thấy chỉ số miễn dịch sởi trong cộng đồng giảm thì lập tức khởi động lại ngay chương trình tiêm chủng sởi cho trẻ em. Để có thể hành động đối phó một cách có hiệu quả với các bệnh truyền nhiễm đang ngày càng nguy hiểm hơn đòi hỏi phải có một chiến lược chung.
Chiến lược này sẽ đưa ra lộ trình cụ thể để khống chế những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể khống chế được như lao, sốt rét, sởi…
Chiến lược này sẽ xác định những hành động cần thiết nào được tiến hành trong những thời điểm nhất định, tránh những hành động mang tính đối phó, sự vụ, sự việc. Chiến lược này phải đảm bảo cho những hoạt động phòng chống các bệnh truyền nhiễm một cách chủ động, có tính kế hoạch và bảo đảm rằng các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm được điều phối nhịp nhàng để tạo ra hiệu quả tối đa.
Chiến lược phòng chống các bệnh truyền nhiễm phải cho phép huy động được các nguồn lực (nhân lực và kinh phí) để nghiên cứu cách chữa trị những bệnh truyền nhiễm mới và văcxin chủng ngừa. Chiến lược phòng chống bệnh truyền nhiễm phải dự báo được và có khả năng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Cuối cùng, chiến lược phòng chống bệnh truyền nhiễm phải cung cấp cơ sở để các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm có thể giám sát được một cách minh bạch và công khai.
Năm 2013, số ca mắc bệnh tay chân miệng trên cả nước giảm 49,3%, tử vong giảm 55,6% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, bệnh vẫn xuất hiện ở mức cao, khắp cả 63 tỉnh, thành phố. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cũng giảm 24,3%, số tử vong giảm 43,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là năm có số mắc thấp nhất trong vòng năm năm qua. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2014 nguy cơ gia tăng số
ca mắc sốt xuất huyết ở nước ta rất lớn vì theo chu kỳ dịch bệnh, khối cảm nhiễm gia tăng (những
trẻ chưa mắc bệnh). (Nguồn: baodientu.chinhphu.vn) |
Bình luận của bạn