Theo đó Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận huyện tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện ca bệnh; đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp và Chi cục Thú y phát hiện sớm các ổ dịch trên gia cầm, xử lý kịp thời tránh để lây bệnh sang người.
Chi Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm và Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm, đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Sở Y tế TP.HCM đang có những biện pháp phòng chống cúm A/H5N6
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế đã yêu cầu các bệnh viện tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do virus, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng virus độc lực cao. Đồng thời, các cơ sở điều trị phải có kế hoạch triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch.
Ngành y tế cũng đặc biệt lưu ý người dân cần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi giết mổ gia cầm và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm. Cụ thể, tuyệt đối không giết mổ và ăn thịt gia cầm ốm bệnh, gia cầm chết; thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân; nấu chín thịt và các sản phẩm gia cầm trước khi ăn, không ăn tiết canh, thức ăn sống, tái; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; không cho trẻ em tiếp xúc hoặc chơi ở khu vực chăn nuôi gia cầm; thực hiện và duy trì tốt vệ sinh môi trường, chuồng trại, khu vực chăn nuôi gia cầm.
Trước đó, Ủy ban Nhân dân TP.HCM cũng có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, không lơ là đối với cúm gia cầm và cúm A /H5N6 ở người.
Bình luận của bạn