TPHCM: Thêm 2 trường hợp mắc tiêu chảy cấp tại ổ dịch

Chiều 23.7, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, đã có thêm 2 trường hợp phát hiện bị tiêu chảy cấp xảy ra tại ổ dịch tiêu chảy cấp ở tổ 8, ấp 1, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 9 trường hợp (8 trẻ em và 1 người lớn) mắc tiêu chảy cấp xảy ra ở ổ dịch này.
2 trường hợp mới phát hiện là Trần Minh Lý (sinh năm 1985) và Trần Ngọc Quý ( sinh năm 2011). Trong đó, bé Trần Ngọc Quý là chị con người bác và sống cùng nhà với bé Phạm Nghĩa Tình, người vừa bị tử vong do tiêu chảy cấp trước đó.

Theo người nhà của bé Quý, vào sáng 23.7, bé Quý đi cầu có màu vàng và được gia đình đưa đến trạm y tế xã Lê Minh Xuân khám thì phát hiện cháu bị tiêu chảy cấp.

Trong 9 trường hợp mắc tiêu chảy cấp xảy ra ổ ở dịch này, có 2 gia đình có 2 trường hợp mắc tiêu chảy cấp. Ngoài trường hợp gia đình của bé Tình có 2 trường hợp mắc tiêu chảy, còn có một gia đình khác cũng có 2 trường hợp mắc tiêu chảy cấp là 2 anh em ruột Hứa Thị Huỳnh Như ( sinh năm 2012) và Hứa Gia Bảo (sinh năm 2013).

Cũng trong chiều 23.7, lực lượng y tế dự phòng huyện đã phối hợp với trạm y tế xã đến phun xịt cloramin B để khử khuẩn toàn bộ khu vực xảy ra ổ dịch, và cấp phát cloramin B hướng người dân ở đây sử dụng trong những ngày tới.

Theo ông Trương Văn Hạnh, phó chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, khu vực xảy ra ổ dịch tiêu chảy cấp có khoảng 30 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu, trong đó có 22 trẻ dưới 15 tuổi. Khu vực này, trước đây là đất của nông trường Lê Minh Xuân được người dân thuê để canh tác và định cư đến bây giờ.
Tuy nhiên, hiện nay khu vực này thuộc 2 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được UBND huyện Bình Chánh lập dự án quy hoạch 1/500 với tổng diện tích là 78 ha và đang chờ thành phố phê duyệt.

“Nếu không có gì thay đổi thì đầu năm 2015, dự án này sẽ khởi công. Do đó, những người dân ở khu vực xảy ra ổ dịch này chỉ ở tạm thời, khi dự án thi công sẽ phải di dời”, ông Hạnh cho biết.

Cũng theo ông Hạnh, toàn bộ người dân ở khu vực này đều tạm trú, sinh sống chủ yếu bằng nghề đào ao nuôi cá. Mặc dù chính quyền địa phương cố gắng thay đổi cách chăn nuôi của người dân, nhưng do mô hình vườn ao chuồng ở đây tồn tại khá lâu nên rất khó thay đổi.

Ở dưới ao thì người dân nuôi cá trê, cá phi, ếch…còn trên ao thì làm chuồng heo, gà, vịt để lấy phân cho cá ăn. Ngay cả vệ sinh của người dân cũng vệ sinh trên ao này. Do đó, tình trạng mất vệ sinh ở đây rất trầm trọng, đó là chưa kể môi trường nhếch nhát, nguồn nước sinh hoạt được đào từ những giếng nước gần các ao nuôi này.

Về điều này ông Hạnh cho biết, người dân có muốn đầu tư một nhà vệ sinh hay một hầm bioga cho hợp vệ sinh cũng không được, vì đây là đất nông trường, đất nông nghiệp lại đang nằm trong dự án.

“Do đó, hiện nay việc bảo đảm vệ sinh của người dân ở đây là không tốt. Có thể từ những nguyên nhân trên đã gây ra dịch bệnh, trong đó có bệnh tiêu chảy cấp”, ông Hạnh thừa nhận.

Theo ông Hạnh, trong những ngày tới, trạm y tế xã sẽ phối hợp với trung tâm y tế dự phòng huyện tiến hành điều tra dịch tể, và lấy toàn bộ mẫu nước ở đây để xét nghiệm.

UBND xã cũng đã giao cho ban văn hóa xã tăng cường công tác truyền thông sức khỏe đến từng hộ gia đình về bảo đảm vệ sinh môi trường; hướng dẫn người dân ăn chín, uống sôi; rửa tay trước và sau khi ăn; hướng dẫn người dân khi mắc bệnh phải đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và chữa trị…


Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin