Trẻ "thích ăn tóc" và ẩn ức tâm lý

Gia đình bệnh nhi cho biết, bé thường xuyên bị đau bụng, ăn ít và hay ói. Kết quả siêu âm bụng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác định một khối dị vật kết rắn trong dạ dày. Do dị vật quá lớn, các bác sĩ không thể mổ nội soi mà phải phẫu thuật mở dạ dày.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khối tóc khổng lồ kết chặt giữa tóc và thức ăn lâu ngày chiếm trọn dạ dày, tràn cả xuống đầu ruột non. "Đây là khối tóc trong dạ dày lớn nhất mà chúng tôi từng gặp. Nó to hơn cả lon nước ngọt", ông Hiếu nói và cho biết sau mổ sức khỏe của bé đã dần bình phục.

toc-9991-1394417694.jpg
Khối tóc nằm trọn trong dạ dày bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 1

Phụ huynh của bệnh nhi cho biết, khoảng 2 năm nay thường thấy bé bứt tóc cho vào miệng. Theo các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp, đây không phải là bệnh nhân ăn tóc đầu tiên. "Có năm chúng tôi mổ đến vài trường hợp. Đa phần khối tóc đã to do tích tụ thời gian dài và bệnh nhân thường là bé gái", một bác sĩ cho biết.

Năm 2008, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phẫu thuật cho bé gái 8 tuổi lấy ra khối dị vật là búi tóc đóng thành khối cứng trọng lượng 350 gr. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biếng ăn, thường bị đau bụng từng cơn và nôn ói. Phụ huynh cho biết thấy con hay bứt tóc ăn nhưng nghĩ không sao nên chỉ nhắc nhở.

Cuối năm 2013, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu cho một bé gái 5 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Kết quả, dạ dày của bệnh nhân này có khối tóc cứng như khối xi măng, to bằng nắm tay và nặng 200 gr. Theo người nhà, khoảng hơn một năm trước ngày nhập viện, khi ngồi một mình, bé thường đưa tay lên bứt tóc và cho vào miệng nuốt. Cha mẹ nhiều lần ngăn cản nhưng bé vẫn lén làm.

toc-1-9202-1394417694.jpg
Khối tóc nặng 350 grtrong dạ dày bé gái 8 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng 1.


Theo các bác sĩ khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, nhổ tóc (trichotillomania) là một rối loạn tâm thần, người mắc thường đưa tay bứt tóc. Hành vi này xảy ra có thể do căng thẳng, xung đột trong mối quan hệ, khi làm một việc thụ động như đọc sách, xem truyền hình hoặc nói chuyện qua điện thoại. Cùng với chứng nhổ tóc là chứng ăn tóc (trichophagia). Hành động này dẫn đến những triệu chứng đau bụng, nôn mửa, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân và tóc tích tụ trong dạ dày.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1, khuyên người bệnh cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh những biến chứng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài phẫu thuật lấy khối tóc, cần phối hợp điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hoặc chống loạn thần kèm theo tâm lý trị liệu nhằm thay đổi hành vi nhổ và ăn tóc bằng hành vi lành mạnh hơn. Gia đình bệnh nhi cũng cần được tư vấn tâm lý để giúp cho mối quan hệ được tốt đẹp hơn và môi trường sống được lành mạnh hơn.

Ngoài ăn tóc, nhiều bệnh nhân còn ăn những thứ khác gọi là mắc chứng ăn bậy. Chứng này có tên là “Pica” - phát xuất từ tiếng La tinh “magpie” chỉ loài chim ác là, một loài chim ăn nhiều và không biết phân biệt những gì được ăn. Rối loạn này được bảng phân loại bệnh tật quốc tế phân biệt chứng ăn bậy ở người lớn và ăn bậy trẻ nhỏ.

Ăn bậy thể hiện khao khát muốn ăn những thứ không mang giá trị dinh dưỡng mà không thể cưỡng lại được. Không chỉ có tóc, người mắc chứng này còn ăn cả đất, bùn, đá, phấn, mảnh tường tróc sơn, tàn thuốc, phân, nút áo, giấy, cát, kem đánh răng, xà phồng, tiền đồng, vòng đeo cổ, kim khâu, dây diện, đồ nhựa, huy chương.

Y văn thế giới đã ghi nhận một bệnh nhân mang 5,5 kg tiền đồng, vòng đeo cổ và kim khâu trong dạ dày. Một người đã nuốt 79,5 kg bàn ghế, tiền đồng, đai ốc, dây điện, đồ nhựa, huy chương. Một người khác nuốt hơn 200 đầu đạn chưa nổ. Tất cả những người này đều có rối loạn tâm thần.

Để phát hiện chứng bệnh này, ở trẻ dưới 18-24 tháng tuổi, hành vi ăn bậy có thể được xem như bình thường vì trẻ nhỏ chưa phân biệt thức ăn và đồ vật khác, thường đưa vào miệng mọi thứ. Từ 2 tuổi trở lên, nếu trẻ tiếp tục ăn những thứ không có giá trị dinh dưỡng kéo dài quá một tháng thì phải nghĩ đến rối loạn ăn bậy, cần theo dõi và kịp thời thay đổi hành vi đó.

Đến nay nguyên nhân của bệnh chưa được biết rõ, tuy nhiên một số tình huống được nghĩ đến có thể gia tăng nguy cơ rối loạn ăn bậy, ví dụ thiếu chất dinh dưỡng như sắt, kẽm. Kiêng ăn và thay thế thức ăn bằng những thứ khác để có cảm giác no bụng. Trẻ thiếu sự chăm sóc của cha mẹ hoặc thiếu ăn do nghèo đói; có vấn đề về phát triển như chậm phát triển tâm thần, tự kỷ, bất thường não; rối loạn tâm thần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế và tâm thần phân liệt.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin