Thị trường TP HCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 3 triệu trứng gia cầm. Tuy nhiên trên thực tế, lượng trứng hợp lệ, tức nguồn trứng đã được cơ quan thú y kiểm tra, kiểm dịch, chỉ chiếm từ 40%-50%, còn trứng không qua kiểm soát, kiểm dịch chiếm từ 50%-60%. Trong khi tình hình dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra, nguồn trứng trôi nổi nguy hại đến sức khỏe cộng đồng cần được các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra.
Bất cập
Trứng không bao bì, không nhãn mác bán đầy chợ, thậm chí trứng còn dính đầy chất bẩn cũng có giấy chứng nhận kiểm dịch (cơ quan thú y kiểm tra theo dạng qua loa rồi cấp giấy) hoặc sử dụng giấy khống được cơ quan thú y ký trước "bán" cho các cơ sở kinh doanh kể cả thương lái; hoặc xoay vòng giấy kiểm dịch để đối phó với cơ quan chức năng.
Để có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trứng gia cầm, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhà máy, dây chuyền sản xuất đáp ứng sản phẩm đạt chất lượng mới được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp giấy. Tuy nhiên, việc kiểm dịch sản phẩm gia cầm hằng ngày lại do cơ quan thú y thực hiện. Như vậy, việc kiểm dịch và kiểm tra chất lượng không thống nhất. Trên thực tế, cơ quan cấp giấy phép chỉ biết cấp giấy, còn việc kiểm tra gần như bỏ ngỏ.
Điều đáng lo là trứng gia cầm bán trên thị trường gần như không có cơ quan chức năng kiểm tra về hạn sử dụng. Hạn sử dụng trứng gia cầm khoảng 7 ngày, chưa kể thời gian vận chuyển từ các tỉnh về TP HCM từ 2-3 ngày. Trứng bán trong siêu thị nếu hết hạn sử dụng phải trả về nhà cung cấp. Nguồn trứng thu về không có ai kiểm soát nên được cơ sở thay bao bì mới hoặc in lại đát mới và tiếp tục tiêu thụ; còn trứng bán trên thị trường trôi nổi thì người bán vô tư dán lại đát mới hoặc không ghi hạn sử dụng. Chưa hết, trứng cho dù được kiểm dịch nhưng thời hạn sử dụng cũng không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra.
Doanh nghiệp kêu
Thời điểm xảy ra dịch cúm gia cầm trên diện rộng, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xử lý trứng gia cầm để cung cấp trứng sạch ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp hưởng ứng, đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng để có được thiết bị xử lý hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế hiện vẫn tồn tại hàng trăm cơ sở nhỏ đầu tư sơ sài cũng được cơ quan chức năng cấp phép. Những cơ sở thủ công này cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp đầu tư nghiêm túc dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp lớn lao đao.
Ông Đàm Văn Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM SX Trại Việt (Vietfarm), bức xúc: "Vietfarm đầu tư nhà máy xử lý trứng gia cầm đến 70 tỉ đồng nhưng lại được cơ quan chức năng xem nhà máy ngang bằng với các cơ sở nhỏ xử lý bằng thủ công". Các doanh nghiệp Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Vietfarm còn cho biết họ đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng theo chủ trương của nhà nước để tạo ra sản phẩm an toàn nhưng không hiểu sao trên thực tế vẫn tồn tại các cơ sở nhỏ không có đầu tư, chỉ xử lý thủ công, không bảo đảm an toàn chất lượng sản phẩm. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân, cho biết trứng không kiểm dịch có thời điểm chiếm đến 70%, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Các doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm đề nghị cơ quan chức năng cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để họ mạnh dạn đầu tư tạo nguồn cung lớn cho thị trường. Tình trạng trứng không kiểm soát, không kiểm dịch, trứng từ cơ sở xử lý thủ công bày bán tràn lan trên thị trường nếu không được chấn chỉnh, sẽ làm cho các doanh nghiệp lớn thu hẹp sản xuất, dẫn đến tình trạng trứng "bẩn" thao túng thị trường.
Bình luận của bạn