Túi nylon - tiện nhỏ, hại lớn

Khảo sát tại các chợ Hà Nội cho thấy, ngày nay rất nhiều bà nội trợ khi đi mua sắm không mang theo những chiếc làn như cách đây hai chục năm, việc mua bán ngày càng được tiện ích hóa khi cả người bán và mua đều ưa chuộng sản phẩm túi nylon.

Lạm dụng túi nylon

Không chỉ dùng để chứa thực phẩm khi đi chợ, nhiều nhà còn dùng túi nylon bao gói thức ăn tích trữ trong tủ lạnh, thậm chí để trong ngăn đá hàng tháng mới đưa ra sử dụng. Nhiều quán cơm bình dân, cơm họp cũng tận dụng túi nylon để đựng cơm, canh, nước mắm. Đây là hành vi hết sức nguy hiểm đối với sức khỏe, vì thực phẩm nóng được đựng trong túi nylon kín khí sẽ rất nhanh thối rữa, thậm chí còn tạo ra phản ứng giữa các loại hóa chất, phẩm màu từ túi nylon với các loại gia vị có tính mặn như nước mắm, bột canh.


Khảo sát của Mạng lưới Thế hệ xanh về nhận thức, thái độ người dân và người bán hàng về việc sử dụng túi nylon và các sản phẩm thay thế cho thấy, về lý do có 37% số người chọn vì tính tiện dụng; 36% lý do là khi mua hàng được cung cấp kèm theo sản phẩm; 13% cho rằng vì giá rẻ, và 14% phải sử dụng vì không có sản phẩm thay thế. Có tới 61,1% số người tiêu dùng cho biết không bao giờ từ chối khi nhận túi nylon, chỉ có 27,8% thỉnh thoảng và 5,7% luôn luôn mang sẵn theo túi/hộp đựng. Tình trạng lạm dụng túi nylon càng gia tăng khi có tới 33,6% số người không bao giờ bỏ chung đồ vào 1 túi. Khảo sát 484 người bán hàng cho kết quả: 80,1% số người bán hàng không tính phí mua túi vào sản phẩm. Trung bình 1 cửa hàng phát cho khách 57 túi nylon mỗi ngày.

Chị Lý Thị Hiền, phường Liễu Giai, Ba Đình Hà Nội cho biết, thông thường ngày đi chợ chị phải mang về nhà tới chục chiếc túi nylon, với chị không gì tiện bằng loại túi này, vừa đỡ mất công xách làn đi chợ vừa gọn nhẹ lại có thể tận dụng làm túi đựng rác sinh hoạt trong gia đình và chị không quan tâm tới việc sử dụng nó có độc hại hay không.

Cẩn thận hơn chị Hiền, chị Hồ Thu Nga, ở Đường Láng rất lo lắng vì có lần chị mua dưa muối, về nhà thấy nước dưa thôi ra màu xanh của túi nylon mà người bán hàng phát cho chị, hôm đó chị phải bỏ chỗ dưa đó đi và sau này mỗi khi đi mua thực phẩm lỏng chị thường chịu khó mang theo bát đựng. Tuy nhiên chị Nga băn khoăn, mặc dù độc hại thật nhưng nếu không dùng túi nylon thì hàng ngày thức ăn khi đi chợ, đặc biệt những đồ có nước thì không có gì để chứa đựng, chẳng nhẽ mỗi lần đi chợ phải mang theo mỗi loại thức ăn là một hộp đựng, như thế thì rất lỉnh kỉnh.

Phải có chế tài mạnh

Kết quả khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) tại 5 tỉnh, thành phố đại diện cho 3 vùng miền trên cả nước về tình trạng sử dụng túi nylon cho thấy, bình quân mỗi hộ gia đình đã sử dụng 223 túi nylon tháng (tương đương 1 kg túi nylon /hộ/tháng). Mỗi ngày, cả Tp. Hồ Chí Minh sử dụng khoảng 8- 10 triệu túi nylon (tương đương 60 - 70 tấn/ ngày).

Người tiêu dùng muốn mua túi nylon có thể dễ dàng tìm thấy vì tại hầu hết các chợ trên địa bàn Hà Nội đều có quầy hàng chuyên cung cấp túi nylon. Thậm chí, có cả đội quân chuyên bán hàng rong, cung cấp các loại túi nylon từ lớn đến bé. Giá mỗi kg túi nylon trên thị trường khoảng 35.000- 40.000 đồng/kg (loại tốt) và 20.000đ - 25.000đồng/kg (loại thường).

Theo Viện Công nghệ hóa học, hầu hết túi nylon bán trên thị trường hiện nay đều được sản xuất từ nhựa tái sinh từ các cơ sở sản xuất gia công, họ tận dụng cả rác thải (nhựa) y tế, quy trình sản xuất thủ công, đặc biệt là túi màu để đựng thức ăn, thực phẩm đều bị nhiễm kim loại chì, clohydric... Nếu dùng đựng thực phẩm, nhất là các loại đồ ăn nóng có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân gây ung thư phổi.

Nguy hại hơn là hiểm họa từ các loại túi nylon tái chế với công đoạn xử lý rất thủ công, trong quá trình sản xuất được trộn các loại hóa chất làm tăng độ dẻo, đây được xem là có yếu tố gây độc nhiều nhất.Ví dụ như chất hóa dẻo TOCP (Triorthocresylphosphat) là loại hóa chất rất độc hại, nó sẽ làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống. Hay chất BBP (một chất phthalate) có thể gây độc cho tinh hoàn và gây ra một số dị tật bẩm sinh nếu tiếp xúc với nó.

Một vài năm gần đây, hoạt động tuyên truyền người dân nhằm hạn chế sử dụng túi nylon được đẩy mạnh nhưng mỗi chiến dịch, cuộc vận động trôi qua đều để lại kết quả là gần như không thu được sự chuyển biến trong hành vi của người sử dụng.
Hiện nay, một số siêu thị , cửa hàng đã đưa các loại túi thân thiện với môi trường vào sử dụng nhưng số lượng quá ít không có khả năng thay thế cho phần lớn lượng lớn túi nylon được tiêu dùng ngoài thị trường hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ tuyên truyền người dân ít sử dụng túi nylon thì hiệu quả sẽ rất thấp. Vì vậy, cần có chế tài xử phạt hay “đánh” vào kinh tế, chẳng hạn qui định hạn chế sử dụng túi nylon như các nước đã từng áp dụng. Hoặc bằng cách đánh thuế vào người đi chợ sử dụng túi nylon, hay tính phí cho các công ty phân phối sản phẩm này. Các siêu thị cần tính thêm tiền cho khách hàng khi có nhu cầu sử dụng túi nylon ... mới mong hạn chế việc người dân sử dụng túi nylon.

vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục