Empty
Empty

Mới đây, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (USA-FDA) đã lên tiếng cảnh báo về việc bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa ở những người chưa tiêm vaccine. Hơn 32.000 ca ho gà được xác định trong năm 2024 - con số cao nhất trong 1 thập kỷ vừa qua. Ho gà là ví dụ rõ ràng nhất về những gì xảy ra khi tỷ lệ tiêm chủng giảm. Nhưng nó không phải là ví dụ duy nhất. Sởi, quai bị, rubella, sốt xuất huyết, tay chân miệng… không chỉ ảnh hưởng tới trẻ nhỏ - đối tượng bị đại dịch làm gián đoạn việc tiêm chủng, thì những lứa tuổi khác cũng cho trở nên dễ dàng bị tái phát hoặc nhiễm bệnh hơn.

Nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm - Pejman Rohani, Đại học Georgia (Mỹ), lo ngại, "Không còn nghi ngờ gì nữa, có thể trong một hoặc hai năm tới, chúng ta ta sẽ có dịch bệnh bùng phát”. Theo TS. Rohani, không chỉ những người chưa tiêm vaccine mà ngay cả những người đã tiêm vaccine cách đây vài thập kỷ cũng có thể dễ mắc phải những căn bệnh được coi là bệnh ở trẻ em này.

Tiến sĩ Alex Richter - nhà miễn dịch học lâm sàng tại Đại học Birmingham ở Anh, nơi đang có sự gia tăng đáng lo ngại về bệnh sởi và quai bị, cho biết hầu hết mọi người đã quên đi mối nguy hiểm của các bệnh ở trẻ em. “Nhiều người quên mất rằng, nếu chúng ta không tiếp tục theo đuổi chính sách tiêm chủng thì không chỉ những người không tiêm vaccine gặp nguy hiểm mà những người không thể tiêm vaccine do một yếu tố nào đó như bệnh lý, tuổi tác, hệ miễn dịch… cũng sẽ gặp nguy hiểm.”

Tiến sĩ Richter lấy ví dụ ở rubella và bệnh sởi Đức. Hai bệnh này đều gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và đứa trẻ trong bụng họ. Thế nhưng, phụ nữ mang thai không thể tiêm phòng hai loại bệnh này vì bản thân vaccine này chứa virus bất hoạt. Nên, nếu cộng đồng quanh họ có tỷ lệ tiêm chủng thấp, khả năng phòng bệnh thấp thì nguy cơ đứa trẻ của họ có thể bị dị tật bẩm sinh như điếc, mù lòa cao hơn và bản thân người thai phụ có nguy cơ bị đình chỉ thai cao hơn.

Empty

Ví như câu chuyện của nhà hoạt động nhân quyền của người khuyết tật - Elsa Sjunneson. Cô sinh ra đã mắc bệnh rubella bẩm sinh khiến cô bị đục thủy tinh thể ở cả hai mắt, dị tật tim và mất thính lực. Mẹ cô đã bị nhiễm rubella trong một đợt bùng phát ở Thành phố New York vào năm 1985 khi đang mang thai, và cô Sjunneson sinh ra đã mắc hội chứng rubella bẩm sinh, hay CRS. Cô bị đục thủy tinh thể nặng, mất thính lực và khuyết tật tim. Trước 1 tổi, cô đã phải trải qua 2 ca phẫu thuật chữa khuyết tật tim, 7 ca phẫu thuật mắt nhưng vẫn mù mắt phải, thị lực mắt trái hạn chế và phải dùng máy trợ thính. Cô vẫn cho rằng mình rất may mắn vì còn sống. Nhiều người mắc CRS khi sinh ra đã không thể sống sót.

Trong khi đó, các chiến dịch chống vaccine thường nhắm vào nhóm vaccine chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella. Virus sởi cực kỳ dễ lây lan, có thể tồn tại trong không khí tới hai giờ sau khi người bị nhiễm bệnh rời khỏi phòng. Mỗi người bị nhiễm bệnh có thể lây virus cho tới 18 người khác. Trước khi vaccine phòng sởi được đưa vào chương trình tiêm chủng, mỗi năm căn bệnh này đã giết chết khoảng 2,6 triệu người trên toàn thế giới. Virus này làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị các tác nhân gây bệnh khác tấn công.

Một nghiên cứu năm 2015 ước tính rằng trước khi tiêm vaccine rộng rãi, bệnh sởi có thể chiếm tới một nửa số ca tử vong do bệnh truyền nhiễm ở trẻ em. Ngay cả bây giờ, hậu quả có thể cũng rất nghiêm trọng. Theo CDC Hoa Kỳ, năm 2024, khoảng 40% số người bị nhiễm bệnh đã phải nhập viện. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng vẫn tiếp tục giảm ở Hoa Kỳ, xuống dưới 93%, đẩy 280.000 trẻ em trong độ tuổi đi học ở nước này vào nguy cơ mắc bệnh hay bùng phát dịch bệnh ở trường học và những nơi công cộng khác.

Và còn một hậu quả bất ngờ khác nữa khi tỷ lệ tiêm chủng giảm. Đó là khả năng miễn dịch do một số loại vaccine tạo ra có thể mất dần theo thời gian. Sự suy giảm này có nghĩa là nếu các đợt bùng phát xảy ra thường xuyên hơn, ngay cả những người lớn đã tiêm vaccine cũng có thể dễ mắc một số bệnh nhất định. Ví dụ, trong số 284 trường hợp mắc sởi được ghi nhận ở người Mỹ năm 2023, 11% là ở những người đã tiêm một hoặc hai liều vaccine, 27% là những người trên 20 tuổi. TS. Alexis Robert - nghiên cứu viên về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh), cho biết: "Chúng ta đã thoát khỏi thời kỳ bệnh sởi chỉ xảy ra ở trẻ em".

Nhưng ho gà có thể là căn bệnh mà ngay cả trẻ em và người lớn đã tiêm vaccine phải quan tâm hơn cả. Bởi, dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh này có thể nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, nhưng nó có thể phát triển thành cơn ho toàn thân đau đớn, kéo dài "100 ngày". Mỗi cơn ho kết thúc bằng tiếng ho khò khè, có thể dẫn đến nôn mửa, gãy xương sườn và khó thở.

Một phiên bản vaccine cải tiến của năm 1990 đã giúp mọi người chống lại căn bệnh này trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, số ca mắc ho gà ngày càng nhiều trong những năm gần đây ở lứa tuổi thanh thiếu niên là “dấu hiệu” cho thấy khả năng miễn dịch đang suy giảm, theo các chuyên gia.

TS. Rohani và các đồng nghiệp của mình đã xây dựng mô hình dịch tễ học về vấn đề này. Theo đó, các trường hợp mắc bệnh sẽ tăng mạnh nhất ở trẻ sơ sinh - những người quá nhỏ để được tiêm vaccine, và sau đó là trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Tiến sĩ Rohani cho biết trẻ em trong độ tuổi đi học có xu hướng tiếp xúc nhiều nhất, vì vậy chúng là "nhóm lây truyền cốt lõi". Ông và các chuyên gia khác cho biết họ hy vọng tỷ lệ tiêm chủng sẽ không giảm mạnh trong thời gian tới và lo ngại về hậu quả ngay cả khi tỷ lệ giảm khiêm tốn.

Empty
Empty

Mặc dù các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ do tỷ lệ tiêm chủng giảm, không chỉ do đại dịch, cũng không làm giảm đi làn sóng hoài nghi về vaccine.

Trong vài viết đăng tải trên NYTimes, Tiến sĩ Offit - bác sĩ nhi khoa chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Philadelphia, đồng thời là thành viên Ủy ban cố vấn về vaccine của FDA Hoa Kỳ, nêu rõ, muốn hoài nghi về vaccine, nên hoài nghi đúng.

Trong bài viết này, TS. Offit khẳng định, tất cả những người làm cùng trong ủy ban với ông đều là những người hoài nghi về vaccine, hoài nghi về tính hiệu quả và an toàn của bất cứ loại vaccine nào được đưa ra thị trường. Chỉ khi công ty dược phẩm phân phối loại vaccine đó cung cấp đủ tài liệu chứng minh tính hiệu quả, tính an toàn của nó, thì mối hoài nghi của họ mới được dẹp bỏ và vaccine đó mới được cho phép sử dụng trên người.

TS. Offit cũng nhắc tới sự hoài nghi vaccine của ông Robert Kennedy – người không chấp nhận các kết quả nghiên cứu chứng minh công dụng của vaccine và các giá trị cộng đồng mà vaccine mang lại. Trong những tuyên bố của mình, ông Kennedy công khai nghi ngờ rằng vaccine sởi-quai bị-rubella là nguyên nhân gây ra chứng tự kỷ, cho dù hơn một chục nghiên cứu được thực hiện ở bảy quốc gia trên ba châu lục liên quan đến hàng nghìn trẻ em cho thấy rằng nó không gây ra điều đó.

Ông Kennedy tuyên bố, “không có vaccine nào vừa an toàn vừa hiệu quả”, tuyên bố này với các nhà nghiên cứu như TS. Offit vừa đúng vừa chưa đúng, bởi, vaccine sở-quai bị-rubella đã giúp ngăn ngừa hơn 1 triệu ca tử vong, 32 triệu ca nhập viện trong 3 thập kỷ qua ở trẻ em.

Hay như vaccine bại liệt, ông Kennedy tuyên bố rằng vaccine là nguyên nhân dẫn đến ung thư khiến nhiều người tử vong hơn so với tác hại của bệnh bại liệt. Thế nhưng, các nghiên cứu so sánh tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine bại liệt với trẻ không được tiêm vaccine thì không có sự khác biệt mang tính chất thống kê về tỷ lệ mắc ung thư. Nhờ tiêm vaccine mà căn bệnh bại liệt đã được xóa sổ ở Hoa Kỳ vào năm 1979, theo TS. Offit.

TS. Offit cũng chỉ ra cách hoài nghi có thiện chí với vaccine. Ông ví dụ bằng một trường hợp cụ thể. “Vào tháng 6/2022, tôi là một trong những thành viên ủy ban cố vấn của FDA đã bỏ phiếu chống lại việc cấp phép cho vaccine COVID thế hệ hai – giúp ngăn ngừa cả chủng ban đầu và biến thể Omicron. Tôi không tin rằng chúng tốt hơn các loại vaccine mà chúng tôi đã có, vốn chỉ nhắm vào chủng ban đầu. Mặc dù cuối cùng ủy ban đã bỏ phiếu chấp thuận các mũi tiêm, nhưng cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh dữ liệu - cũng như các cuộc tranh luận của tôi và các đồng nghiệp về các vấn đề khác, chẳng hạn như ưu điểm của các mũi tiêm tăng cường đối với người trẻ tuổi khỏe mạnh, cho thấy giá trị của việc thảo luận nghiêm ngặt về vaccine.

Thực tế, sự hoài nghi về vaccine đã ăn sâu vào các hệ thống giám sát mà các chuyên gia y tế dùng để theo dõi vaccine sau khi chúng được cấp phép sử dụng. Chúng ta biết rằng các thử nghiệm lâm sàng là chưa đủ, chúng ta cần liên tục đặt câu hỏi và kiểm tra dữ liệu mới. Đó là lý do tại sao chúng ta có các hệ thống giám sát có thể phát hiện các vấn đề quá hiếm gặp để có thể phát hiện trong các thử nghiệm lâm sàng. Đó là cách chúng ta biết rằng vaccine mRNA COVID-19 gây ra tình trạng viêm cơ tim ở khoảng 1/50.000 người và vaccine Johnson & Johnson COVID-19 gây ra tình trạng đông máu nguy hiểm ở khoảng 1/250.000 người. Việc phát hiện ra những rủi ro như vậy cho phép chúng ta cân nhắc những tác hại hiếm gặp này so với những lợi ích to lớn của các loại vaccine này.

Làm cha mẹ, một người có quyền hoài nghi, đặt ra những câu hỏi nghi vấn về tác dụng của vaccine với con mình. Bởi, trong vài năm đầu đời, trẻ em có thể được tiêm tới 25 mũi vaccine – một chất lỏng sinh học mà họ không hiểu, để chống lại các bệnh mà nhiều người chưa từng thấy. Họ có thể lo lắng rằng tất cả những mũi tiêm này có thể làm quá tải hệ thống miễn dịch của trẻ nhỏ, nhưng, những dữ liệu mà các bác sĩ có thể cung cấp cho họ sẽ giúp họ hiểu về điều này dễ dàng hơn.

Empty
Empty

Trong bài viết của mình, Tiến sĩ Green - thống đốc của Hawaii, chia sẻ kinh nghiệm về hậu quả của sự hoài nghi vaccine mà ông đã từng trải qua.

TS. Green viết: “Vào đầu tháng 12/2019, tôi đã gọi cho bà Faimalotoa Kika Stowers - Bộ trưởng Y tế Samoa. Dịch sởi bùng phát vào đầu mùa thu năm đó tại quốc đảo nhỏ bé ở Thái Bình Dương của bà đã lan rộng ngoài tầm kiểm soát và trở thành một đại dịch đe dọa nhấn chìm cả nước. Mối liên kết sâu sắc mà Hawaii chia sẻ với Samoa có nghĩa là đây là một cuộc khủng hoảng chung. Với tư cách là Phó Thống đốc Hawaii vào thời điểm đó và là một bác sĩ, tôi biết chúng ta cần phải hành động.

Gần 20 năm trước, khi đến Hawaii với tư cách là thành viên của Đội ngũ Dịch vụ Y tế Quốc gia để hành nghề y tại một phòng khám nhỏ ở một cộng đồng xa xôi, tôi đã học được giá trị của dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa cho bệnh nhân ở vùng nông thôn, thu nhập thấp và thực tế thiết yếu là vaccine là một trong những công cụ hiệu quả nhất mà chúng ta có để ngăn ngừa bệnh tật và cứu sống, đặc biệt là trẻ em.”

Empty

Khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, các bệnh có thể phòng ngừa lại xuất hiện và gây ra mối nguy hiểm mới. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra ở Samoa, sau khi thông tin sai lệch do các nhà hoạt động chống vaccine lan truyền đã làm xói mòn niềm tin và dẫn đến đợt bùng phát năm 2019. Hàng ngàn trường hợp mắc bệnh sởi xuất hiện, dẫn đến cái chết của 83 người, chủ yếu là trẻ em.

“Vaccine và các chương trình tiêm chủng y tế công cộng không chỉ là các biện pháp can thiệp y tế; chúng còn là mệnh lệnh đạo đức. Chúng thể hiện cam kết của chúng ta trong việc cứu sống, chấm dứt bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cũng như hạnh phúc của các thế hệ tương lai. Nếu như sự nghi ngờ và những thông tin sai lệch về vaccine tiếp tục được lưu hành thì có khả năng khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm và dẫn đến nhiều ca tử vong có thể phòng ngừa được hơn.”

Ví như vụ bùng phát sởi ở Samoa năm 2019. Với sự giúp đỡ 5.000 liều vaccine phòng sởi cùng với một đội y tế khẩn cấp gồm khoảng 75 y tá và bác sĩ tình nguyện từ Hawaii cùng với sự hỗ trợ khác của các tổ chức như UNICEF và Hiệp hội Chăm sóc sức khỏe Hawaii đã cung cấp các vật tư y tế thiết yếu (bao gồm cả vaccine) đã giúp Samoa ngăn chặn được dịch sởi. Dữ liệu y tế được công bố vào cuối tháng đó cho thấy số ca bệnh giảm đáng kể, kết quả là tỷ lệ tiêm chủng của Samoa đạt 95%.

“Chúng tôi cũng đã tận mắt chứng kiến hậu quả chết người của chiến dịch chống vaccine. Chúng tôi đã đến chậm vài phút và chứng kiến một người mẹ đang ôm đứa con gái mới biết đi chết vì bệnh sởi. Đứa bé nằm trong lòng người mẹ, mặt vẫn đỏ bừng vì sốt, trên da vẫn còn chút hơi ấm nhưng không còn chút sinh khí nào. Ống nghe của chúng tôi đã xác nhận, cô bé không còn thở nữa. Cha mẹ cô bé phải chăm sóc cô bé ở nhà vì bệnh viện quá tải, không còn giường bệnh. Cô bé được xác nhận chưa tiêm vaccine và các thành viên nhỏ tuổi khác của gia đình cũng vậy. Chúng tôi tiêm vaccine cho mấy đứa trẻ trước khi tiếp tục nhiệm vụ của mình.”

Dịch sởi ở Samoa là một ví dụ đau lòng về việc mọi thứ có thể diễn biến xấu nhanh như thế nào khi tỷ lệ tiêm chủng được phép giảm. Một sai lầm đáng tiếc của con người vào năm 2018 liên quan đến vaccine được chuẩn bị không đúng cách đã dẫn đến cái chết của hai trẻ sơ sinh địa phương và làm lung lay niềm tin của công chúng. Mặc dù vaccine đã được xác nhận là an toàn, nhiều phụ huynh đã trở nên do dự trong việc tiêm chủng cho con mình. Sự do dự này càng được thổi bùng bởi những con người bài trừ vaccine bằng các bài đăng trên mạng xã hội, tuyên bố rằng tiêm chủng không an toàn và có thể khiến những đứa trẻ bị chết. Và đó là lý do khiến dịch bệnh hoành hành, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia bị ảnh hưởng.

Và theo TS. Green, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, dù thông tin chống vaccine liên tục lan truyền trên mạng, tỷ lệ tiêm chủng của Hawaii vẫn nằm trong số những vùng có tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong thuộc loại thấp nhất, cứu sống hàng nghìn người dân. Phản ứng với COVID-19 của Hawaii là minh chứng cho những gì chúng ta có thể đạt được khi các nỗ lực y tế cộng đồng dựa trên thực tế khoa học.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý