Vaccine phòng chống AIDS, nhiệm vụ bất khả thi?

Trên mặt trận chống căn bệnh AIDS, không chỉ có tin xấu. Mặc dù số lượng người phơi nhiễm vi rút HIV mới ở Pháp không giảm, thậm chí còn tăng lên trong cộng đồng những người đồng tính. Nhưng trên phạm vi toàn cầu, số lượng các ca nhiễm mới đang tăng với tốc độ chậm hơn, bằng lượng người chết vì căn bệnh này.


Một điều khiến chúng ta có thể hy vọng, đó là các cuộc nghiên cứu vẫn tiến hành và ngày càng nhiều hơn. Điều này được nêu ra ngày 6/6 vừa qua trong Hội nghị quốc gia của Hiệp hội đấu tranh chống AIDS của Pháp (Sidaction) và tại Diễn đàn thế giới về khoa học đời sống được tổ chức tại Lyon (Pháp) ngày 5/6 và 6/6, trong đó đặc biệt nêu những tiến bộ của phương pháp điều trị miễn dịch.

Hơn chụcvaccine được nghiên cứu

Nhiều hướng nghiên cứu được mở ra và là mục đích của các thử nghiệm lâm sàng, từ liệu pháp gen đến việc kết hợp mới của các loại thuốc kháng virus, thông qua vaccine. Những tiến bộ to lớn đã đạt được trong điều trị dự phòng hoặc điều trị khẩn cấp. Truvada, được Cơ quan Quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cách đây 2 năm công nhận là loại thuốc đầu tiên có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV. Thuốc này giúp phòng ngừa gần như 100% nguy cơ nhiễm bệnh.

Đi tìm thần dược phòng căn bệnh thế kỷ này, rõ ràng phải là nghiên cứu vaccine. Vaccine nhằm mục đích phòng ngừa lâu dài nguy cơ lây nhiễm bệnh hoặc chữa khỏihoàn toàn căn bệnh, hoặc ít nhất là thuyên giảm chức năng của vi rút, có nghĩa là vi rút không biến mất nhưng nó không còn khả năng làm hại chúng ta nữa. Hiện nay, trong ngắn hạn, không có hy vọng tìm thấy vaccine phòng ngừa (còn gọi là "dự phòng"). Tuy nhiên, trên thế giới hiện có hơn một chục thử nghiệm vaccine điều trị trong giai đoạn tiến triển tương đối tốt.

Khó đạt kết quả trên diện rộng

"Các vaccine điều trị sử dụng hai chiến lược để chống lại các virus", Giáo sư Jean-Daniel Lelièvre, người đứng đầu khoa nghiên cứu lâm sàng tại Viện nghiên cứu vaccine, trong đó đang tiến hành một số thử nghiệm, giải thích. "Chiến lược thứ nhất là dùng những liệu pháp điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) nhằm đẩy vi rút HIV ra khỏi cơ thể và sau đó tấn công vi rút bằng vaccine. Chiến lược khác là tạo ra một phản ứng miễn dịch đủ mạnh để kiểm soát virus. Hiện nay, chúng tôi không biết có phương pháp điều trị nào đủ mạnh để làm việc đó".

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa có được kết quả đầy đủ trên diện rộng. Như vậy, trong số những sự kiện nổi bật vài năm qua, chúng ta phải kể đến "bệnh nhân Berlin", một bệnh nhân duy nhất trên thế giới chữa khỏi bệnh AIDS, sau khi được ghép tủy xương và trong những điều kiện vô cùng đặc biệt, không thể tiến hành trên một quy mô lớn như giải thích của giáo sư Brigitte Autran, chuyên gia miễn dịch học, trên trang web Pourquoidocteur.

Sau đó là trường hợp của "Mississippi Baby", bị lây HIV trong thời kỳ mẹ mang thai, được điều trị bằng những liệu pháp điều trị kháng retrovirus hoạt tính cao HAART ngay sau khi sinh và hiện nay đứa bé này vẫn đang sống mà không cần điều trị, kết quả đó rất đáng khích lệ. Cuối cùng, nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay là loại vaccine ngừa bệnh (giai đoạn III, quy mô lớn), thực hiện tại Thái Lan với 16.000 tình nguyện viên. Kết quả của nghiên cứu này được công bố năm 2009, nhưng hiệu quả của nó không vượt quá 31%. Vaccine này có tên RV144 hoặc "vaccine Thái", và nghiên cứu được thực hiện bởi quân đội Mỹ, Thái Lan và hãng Sanofi.

Trong các thử nghiệm vaccine hiện trong giai đoạn II, phải kể đến ba dự án của Pháp, dẫn đầu bởi InnaVirVax, Biosantech, Inserm và ANRS. Một công ty khác đến từ Pháp, Theravectys, tiến hành một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I / II. Tất cả theo nhiều hướng khác nhau. Vaccine InnaVirVax, ví dụ, tìm cách bảo vệ các tế bào lymphô T4 bị phá hủy, trong khi những vaccinekhác cố gắng kích thích cơ thể sản xuất kháng thể, hoặc phá hủy các tế bào bị nhiễm bệnh.

Giữa hy vọng và tranh cãi

Tất cả các dự án này đều đem đến những tia hy vọng cho người mắc bệnh AIDS. Thật không may, chúng lại không nằm ngoài những cuộc tranh luận, đôi khi điều đó làm giảm hiệu quả của công việc nghiên cứu.

Nhất là thuốc Truvada, được sử dụng như một phương tiện phòng đối với người dân có nguy cơ mắc bệnh cao, đã trở thành đề tài tranh luận trong một thời gian tại Pháp. Tại Mỹ, nơi các nhà chức trách cho phép mở rộng việc sử dụng loại thuốc này, cũng có những bàn luận tương tự. Chủ để tranh cãi liên quan đến nguy cơ bị loại bỏcủa bao cao su, những tác dụng phụ, cuộc chơi thương mại và tiếp thị...

So với vaccine, thử nghiệm của công ty Biosantech cũng khiến biển dậy sóng. Công ty quy mô nhỏ này đã công bố nghiên cứu lâm sàng của mình tự khẳng định mình tiên tiến nhất thế giới, trong khi các nghiên cứu lâm sàng khác cũng ở cùng giai đoạn thử nghiệm và được phê duyệt trước đề án của công ty này. Biosantech đã trở thành mục tiêu của những chỉ trích. Trong số những người mà chúng tôi phỏng vấn, họ cáo buộc công ty này lợi dụng quảng cáo tiến bộ của mình để gây quỹ, đôi khi khiến người ta không tin tưởng. Không giống như các đồng nghiệp của mình, đội nghiên cứu của Biosantech không công bố kết quả nghiên cứu của họ trên các tạp chí chuyên ngành. Hơn nữa, phương pháp trị liệu mà họ sử dụng đã bị bỏ rơi trong nhiều năm, và được thay thế bởi các phương pháp khác.

"Có nhiều nghiên cứu nghiêm túc hơn, Jean-Daniel Lelièvre đánh giá. Tại Viện nghiên cứu vaccine, chúng tôi giao tiếp ít hơn với đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Chúng tôi không muốn cường điệu cho rằng chúng tôi sắp có vaccine trong thời gian tới".

Khi nào có vaccine ?

Trong số tất cả những cuộc thử nghiệm, mặc dù một số hướng đến mục tiêu kinh doanh, có khả năng rất lớn là họ sẽ kết hợp chúng với điều trị kháng virus hoặc kết hợp chúng để ngừng điều trị. "Hiện tại, chúng ta không tiến hành nghiên cứu quy mô lớn nào cũng như không mong đợi kết quả gây ấn tượng nào cả", Jean-Daniel Lelièvre nói.

"Chúng ta không thể nói thời điểm nào, khi nào chúng tôi sẽ có trong tay một loại vaccine thực sự hiệu quả . Nghiên cứu đi từng bước, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Người ta không thể nói khi nào người ta sẽ tạo ra một loại vaccine. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi có những bước tiến nhất định", ông nói. Joël Crouzet, Giám đốc điều hành của InnaVirVax đặt hy vọng vào việc sẽ bán các vaccine phòng bệnh AIDS từ đây đến năm 2020-2021 nếu thử nghiệm thành công.

Xa hơn nữa, người ta có thể hy vọng tìm ra một loại vaccine phòng bệnh. "Chúng tôi hy vọng trong 10 đến 20 năm nữa, sẽ có vaccine dự phòng bệnh này và loại bỏ triệt để vi rút HIV", Jean-Daniel Lelièvre nói. "Các thử nghiệm vaccine phòng bệnh tiếp tục được tiến hành, Joël Crouzet nói. Nhưng hiện tại, chúng ta thật sự cần ưu tiên cho nghiên cứu các loại vaccine điều trị bệnh".

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn