Phạm Thu Hà táo bạo “làm mới” nhạc Trịnh Công Sơn

Phạm Thu Hà hợp tác cùng NSX Sơn Thạch trong single "Bốn mùa nhớ"

"Điều ước thứ 7" chính thức trở lại trên sóng VTV3

Vừa ra rạp, "Home" đã chiếm ngôi quán quân bảng xếp hạng phim ăn khách

Mở cửa tham quan nơi vua Nguyễn đọc sách

"Hội sách mùa Xuân" tại Hà Nội mở cửa từ ngày 25/3

Trong suốt cuộc đời mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết hơn 600 nhạc phẩm được nhiều thế hệ yêu thích, một gia tài âm nhạc đồ sộ, có khả năng lưu danh hậu thế.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn mang đậm tính thời đại. Bất kỳ ai, ở thời đại nào cũng có thể tìm thấy mình trong mỗi lời ca, nốt nhạc, giai điệu của ông. Và bất kỳ nghệ sĩ nào, nếu có thể cảm nhận sâu sắc về tâm hồn của ông đối với cõi đời này, đều có thể tìm đến suối nguồn âm nhạc bất tận ấy, để thể hiện mình, vùng vẫy theo cách của mình. Không ai có quyền chê trách ai, cũng không ai có thể vượt qua ai… Âm nhạc của Trịnh Công Sơn, vì thế mà được nối dài mãi, trải rộng mãi, chiêm nghiệm mãi!

Ca sĩ Phạm Thu Hà ra mắt single tưởng nhớ 14 năm ngày mất Trịnh Công Sơn

 Phạm Thu Hà là một giọng hát nhiều trải nghiệm. Vốn được yêu mến sau thành công của album Classic meets Chillout (đoạt giải Cống hiến 2012) và Tựa như gió phiêu du (2014), hoạ mi bán cổ điển” quyết định thử sức với thể loại âm nhạc mới hoàn toàn với chính cô: Nhạc Trịnh Công Sơn. Nhân dịp kỷ niệm 14 năm ngày mất của nhạc sĩ tài hoa, Phạm Thu Hà bắt tay thực hiện single Bốn mùa nhớ, gồm 3 nhạc phẩm vô cùng quen thuộc của Trịnh Công Sơn: Gọi tên bốn mùa, Nghe những tàn phai, Chiều một mình qua phố.

Không bi luỵ, không day dứt hay dằn vặt, Phạm Thu Hà đã thể hiện nhạc Trịnh Công Sơn theo cách riêng của mình, nhẹ nhàng, sâu lắng, trong sáng và tràn đầy năng lượng. Với tâm thế, cảm xúc của một người trẻ, với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, Phạm Thu Hà mang đến cho người nghe một tinh thần hoàn toàn mới trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, đó chính là sự lạc quan, yêu đời và tràn đầy niềm tin, hy vọng trong cuộc sống.

Nếu như ở Gọi tên bốn mùa, Phạm Thu Hà thể hiện sự trong trẻo, đáng yêu của người thiếu nữ mượn thiên nhiên để thể hiện tình yêu của mình, thì ở Nghe những tàn phai lại là câu chuyện của người con gái với một chút tĩnh lặng, một chút nhung nhớ người yêu trong cuộc sống bộn bề. Và cũng giống như tính cách của mình, Phạm Thu Hà thể hiện đậm nét sự bình thản, khoan thai trong Chiều một mình qua phố.

 

Trong mỗi bài hát, khán giả có thể cảm nhận được không chỉ tình yêu, thân phận mà còn cả niềm hy vọng vào ngày mai của những người trẻ. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát bán cổ điển Phạm Thu Hà vì thế đã tươi mới hơn, vui hơn và nhiều sức sống hơn.

Chịu trách nhiệm sản xuất, phối khí cho toàn bộ Bốn mùa nhớ của Phạm Thu Hà lần này là nhà sản xuất âm nhạc Sơn Thạch. Một trong những cá tính âm nhạc lãng du, hiện đại và táo bạo hiếm có của nhạc Việt hiện nay. Có thể nói, chất lãng du của Sơn Thạch trong mỗi bản phối hiện đại, sự an nhiên trong những nỗi niềm, triết lý của Trịnh Công Sơn cùng với sự bình thản đến nhẹ nhàng trong cá tính, tiếng hát và cảm xúc của Phạm Thu Hà đã thực sự hoà làm một. Để Bốn mùa nhớ vang lên nhiều rung cảm đến vậy, trong đúng dịp mà triệu triệu con tim ngậm ngùi tưởng nhớ nhân cách lớn Trịnh Công Sơn.

“Tôi đã nghe và yêu nhạc Trịnh từ thuở thiếu thời, song có lẽ tới bây giờ mới đủ duyên để hát nhạc của ông. Khi những trải nghiệm trong cuộc sống đã đủ, khi đã biết nhìn cuộc đời bằng đôi mắt nhẹ nhàng, an nhiên, tôi mới phát hiện nhạc Trịnh ở một góc độ khác. Tôi và anh Sơn Thạch đã cùng bàn bạc rất lâu, để làm sao đưa tinh thần bán cổ điển, vốn là thế mạnh của tôi vào nhạc Trịnh một cách hài hoà, văn minh và phù hợp nhất. Tôi hi vọng thể nghiệm mới này của mình sẽ góp phần nối dài thêm tình yêu nhạc Trịnh trong những khán giả của ông”, Phạm Thu Hà chia sẻ.

Được biết, single nhạc Trịnh được phát hành online phi lợi nhuận từ ngày 1/4/2015. Sau Bốn mùa nhớ, nữ ca sĩ sẽ sớm ra mắt album nhạc Trịnh tiếp theo trong thời gian tới đây.

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa