Vật vã bệnh mùa nắng nóng

Tấp nập nhập viện

Mới 7 giờ sáng đầu tuần nhưng tất cả các khu khám bệnh từ khám bảo hiểm y tế đến khu khám trẻ lành mạnh, khu khám chất lượng cao của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM đã đông nghẹt trẻ được bố mẹ bồng bế chờ khám. Theo các bác sĩ khoa khám, 2 tuần qua trẻ đến khám và nhập viện tăng hơn nhiều so với các tuần trước, trong đó chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa. Thống kê sơ bộ cho thấy mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 khám và điều trị 3.000 - 4.000 bệnh nhi. Do bệnh nhân đông nên tình trạng chen chúc ở các phòng khám rất ngột ngạt, còn ở các khoa trại thì bệnh nhi phải nằm ghép chung giường…

"Nên chọn lựa các loại thực phẩm thích hợp nhằm đảm bảo duy trì hệ miễn dịch mạnh khỏe và tạo cho cơ thể sức đề kháng chống lại các loại virus và các bệnh truyền nhiễm"

BS Đỗ Thị Ngọc Diệp,
Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM



Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượt trẻ đến khám, điều trị cũng tăng vọt 4.500 - 5.000 trẻ mỗi ngày, phần lớn là bệnh tiêu hóa, hô hấp, nhiễm siêu vi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, các bệnh như viêm màng não cũng bắt đầu xuất hiện, nhất là viêm não Nhật Bản, một căn bệnh thường có tỷ lệ mắc vào mùa nắng cao hơn mùa mưa. Đây cũng là bệnh lý khá nguy hiểm nếu không được phát hiện kịp thời.

Trong khi đó, người già, người lớn tuổi bị cao huyết áp cũng vật vã với thời tiết nắng nóng. Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM, những tuần qua tiếp nhận khám không ít trường hợp người già kiệt sức do nắng nóng. Hầu hết đều có biểu hiện mệt mỏi, biếng ăn, khó ngủ. Nhiều trường hợp rơi vào bệnh lý mãn tính như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp… Theo ghi nhận của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, mỗi ngày có gần 500 lượt bệnh nhân cao tuổi đến khám các bệnh có liên quan đến thời tiết nắng nóng. Bác sĩ Trần Chí Cường, Trưởng đơn vị mạch máu - đột quỵ của bệnh viện, cho biết: “Thường những lúc thời tiết thay đổi thất thường như nắng nóng hay lạnh giá thì số ca đột quỵ, tai biến cũng gia tăng”.

Phòng bệnh: cân bằng sinh hoạt, dinh dưỡng

Theo các chuyên gia y tế, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi… bùng phát, nhưng nếu biết cách, có thể phòng ngừa một cách hữu hiệu. Đối với người già, người có bệnh lý mạn tính, thường nắng nóng khiến bệnh nhân dễ tăng huyết áp, suy nhược cơ thể… Do đó phần nhiều toa thuốc bổ sung là thuốc bổ. Các bác sĩ khuyến cáo các cụ lớn tuổi nên bổ sung nước, vitamin C, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng với thời tiết khắc nghiệt. Để phòng tránh bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, người lớn tuổi nên có chế độ làm việc vừa phải, tránh căng thẳng và ở nhiều giờ ngoài trời.

Các bác sĩ khoa Khám bệnh Bệnh viện Nguyễn Trãi TPHCM cho biết, những người cao tuổisức khỏe kém hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm đường hô hấp, viêm da hoặc mắc bệnh về tim mạch thì việc tắm rửa hàng ngày cần hết sức lưu ý là không dùng nước lạnh đột ngột. Trong ăn uống không nên dùng nước lạnh quá hoặc thực phẩm quá lạnh. Ban đêm lúc đi ngủ nên dùng quạt hơn là dùng máy điều hòa nhiệt độ. Nếu dùng điều hòa nhiệt độ nên duy trì nhiệt độ khoảng 27°C - 28°C là vừa.

Đối với trẻ em, việc phòng bệnh mùa nắng nóng rất cần thiết không chỉ ở nhà mà cả đối với trẻ ở trường mầm non. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nguyên tắc phòng bệnh cho trẻ là chú ý vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm là những việc hết sức quan trọng. Đối với trẻ nhỏ cần tắm rửa hàng ngày và lưu ý lau khô các kẽ để tránh ẩm ướt làm vi khuẩn dễ phát triển. Một số bệnh đã có vaccine phòng ngừa, cần chích ngừa cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Chú ý cho trẻ uống bù nước, chuẩn bị nước uống sạch cho trẻ khi đi học, đi chơi; tránh để quạt máy thổi trực tiếp vào người, đặc biệt khi trẻ mới ở bên ngoài vào, đang đổ mồ hôi thì cần lau khô trước khi ngồi trước quạt; trẻ nhỏ không nên ở trong phòng máy lạnh quá lâu và đừng để nhiệt độ phòng chênh lệch nhiều so với bên ngoài. Mùa nóng là mùa bùng phát và dễ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ do ăn thức ăn ôi thiu, môi trường ô nhiễm. Do đó, ăn chín uống sôi là tiêu chí cần đặt lên hàng đầu.

Theo các bác sĩ nhi khoa, không chỉ thời tiết trở lạnh mới gia tăng bệnh hô hấp mà ngay trời nắng nóng cũng gia tăng bệnh này, nhất là viêm tiểu phế quản. Theo BS Trần Anh Tuấn, khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 2, trời nắng nóng nên các bậc phụ huynh thường cho trẻ ngủ điều hòa, uống nước đá lạnh nên nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.

Trong khi đó, phòng bệnh mùa nắng với cân bằng dinh dưỡng được BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khuyến cáo không chỉ ăn chín uống sôi mà còn phải đảm bảo chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, bổ sung thêm các loại hoa quả giàu vitamin C, uống nhiều nước... Theo BS Diệp, các loại trái cây thuộc họ cam quýt là sự lựa chọn tốt nhất, vì ngoài lượng vitamin C dồi dào, chúng còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, chống lại các chứng bệnh thường xảy ra trong những ngày hè.

Hà Nội: 6 trẻ nằm 1 giường

Ngày 31/3, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những ngày gần đây do thời tiết miền Bắc thay đổi nhanh từ trời nồm ẩm ướt sang nóng bức nên số trẻ đổ bệnh tăng đột biến. Theo bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện trung bình mỗi ngày có tới 3.500 bệnh nhi được đưa tới viện khám, tăng gần 20% so với trước khiến cho nhiều khoa phòng điều trị bị quá tải trầm trọng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân gồm cả người lớn và trẻ nhỏ nhập viện cũng tăng chóng mặt. Chỉ riêng Khoa Nhi của bệnh viện mỗi ngày có gần 300 cháu được gia đình đưa tới khám chữa bệnh. Đáng lo ngại, tại đây chỉ có khoảng 60 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nội trú luôn ở mức 140 - 160 cháu nên dẫn tới tình trạng nằm ghép 3 - 4 cháu/giường, thậm chí có lúc cao điểm lên tới 6 cháu/giường.

Các bác sĩ cho biết, phần lớn trẻ nhỏ đổ bệnh và nhập viện trong những ngày vừa qua mắc các bệnh về đường hô hấp như sốt virus, viêm mũi, họng, viêm phổi và viêm màng não. Đáng chú ý, trong số này có nhiều trẻ dưới 6 tháng tuổi bị viêm phổi nên rất nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng, cũng như điều trị nhiều khó khăn. Cùng với đó, không ít trường hợp bị viêm phổi do biến chứng của bệnh sởi. Hơn nữa, do thời tiết thay đổi đột ngột, nóng, ẩm nên tỷ lệ bệnh nhân tái phát bệnh rất nhiều. Nhiều bệnh nhi vừa hết đợt điều trị một vài ngày lại tái phát bệnh phải nhập viện.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn