Điều này đang khiến dư luận rất lo lắng về nguy cơ kết quả xét nghiệm
không chính xác do hệ thống máy móc, thiết bị không đảm bảo quy chuẩn
ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khoẻ người dân. Vấn đề đặt ra ở đây
là cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm cụ thể trong từng "công đoạn" của vụ
việc này?

Nhiều thiết bị y tế cũ nát được "mông má" lại rồi nhập khẩu với chứng nhận thiết bị mới
Vụ việc này khiến không ít người dân lo ngại những loại TBYT không đạt chuẩn được đưa vào sử dụng sẽ tạo ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân.

Sử dụng những thiết bị này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và việc điều trị bệnh cho người dân
Nhiều người nghe thông tin về TBYT cũ nhập khẩu về cung cấp cho các cơ sở y tế, đều lo ngại kết quả xét nghiệm, chụp chiếu không chuẩn xác sẽ khiến bác sỹ chẩn đoán bệnh sai. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới công tác chăm sóc sức khoẻ, tâm lý của người dân. Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Trong điều kiện ngân sách Nhà nước đầu tư cho các đơn vị còn hạn chế, không đủ kinh phí để mua các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, có giá trị lớn nên nhiều nơi đã liên doanh, liên kết TBYT phục vụ công tác khám chữa bệnh. Thực tế, Bộ cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá việc thực hiện xã hội hoá y tế trong các bệnh viện công. Việc liên doanh, liên kết đã có những kết quả như trang bị được nhiều thiết bị hiện đại nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong... Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ những mặt trái, tiêu cực, Bộ đã chỉ đạo các Sở Y tế kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm.
Lo ngại của người dân hiện nay về kết quả xét nghiệm là có cơ sở, tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: "Hà Nội đã kiểm tra 15 cơ sở y tế và không phát hiện những chủng loại TBYT cũ".
Hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng
Theo quy định tại Thông tư 24 hướng dẫn việc nhập khẩu TBYT của Bộ Y tế thì quy trình, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu là rất chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn có hàng loạt thương vụ nhập lậu TBYT cũ nát được "tuồn" vào trong nước đặt ra câu hỏi có hay không những lỗ hổng trong nhập khẩu thiết bị y tế?
Trước thực tế này, đại diện Bộ Y tế, cũng cho biết: "Các TBYT nhập khẩu phải là TBYT mới 100%. Việc nhập khẩu TBYT đã qua sử dụng là gian lận thương mại nghiêm trọng vì đây là mặt hàng đặc biệt, liên quan trực tiếp đến chẩn đoán, điều trị của người dân, phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nhập khẩu. Vì vậy trong trường hợp cấp phép nhập khẩu, khi rà soát lại chúng tôi khẳng định đã làm đúng quy trình. Hồ sơ doanh nghiệp xin cấp phép nhập TBYT mới 100%, sản xuất năm 2012. Việc "phù phép" để nhập TBYT cũ là hành động sai phạm nghiêm trọng của doanh nghiệp với các thủ đoạn tinh vi có sự tính toán lợi dụng chính sách thông thoáng, ưu tiên của Nhà nước. Doanh nghiệp xin nhập TBYT mới nhưng họ lại gian lận nhập hàng cũ thì ngành hải quan có trách nhiệm phát hiện, xử lý trên cơ sở đối chiếu với tờ khai hải quan, hồ sơ nhập khẩu và thực tế hàng hoá". Ngay sau đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Tổng cục Hải quan phối hợp chỉ đạo các Chi cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong nhập khẩu TBYT.
Đơn vị gian dối sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo bà Cao Thị Vân Điểm (Hội Thiết bị Y tế Việt Nam), với những TBYT cũ được nhập khẩu về không thể đẩy vào các bệnh viện công qua con đường đấu thầu trang thiết bị. Bởi lẽ, với những bệnh viện này, khi mua sắm thiết bị bằng nguồn kinh phí của Nhà nước phải xây dựng hồ sơ mời thầu trong đó quy định rõ chất lượng, chủng loại và thẩm định giá. Khi mua xong lại có đơn vị tư vấn giám sát về mặt chất lượng và lắp đặt. Hiện nay, y tế tư nhân phát triển, họ muốn giảm chi phí đầu tư nên đã nhập khẩu hàng hoá kém hơn, nhưng thực ra cũng phải qua rất nhiều khâu đánh giá của các cơ quan chức năng. Vì vậy, điểm đến của những thiết bị này sẽ chỉ là các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Trong thực tế, với loại thiết bị cũ này nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt và thu hồi".

Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại thiết bị trong các bệnh viện và rà soát lại quy trình nhập khẩu thiết bị y tế
Trước những nghi vấn về "đường dây nhập khẩu TBYT cũ" ngày 16/1, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Bộ Y tế cũng khẳng định, không có "đường dây" cấp phép cho TBYT "quá hạn sử dụng" vào nước ta. Bộ Y tế cũng đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng đề án phát triển hệ thống kiểm chuẩn trang thiết bị y tế để tạo cơ sở cho việc đầu tư, xây dựng các hướng dẫn về điều kiện con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác kiểm chuẩn và bảo đảm chất lượng.
Đến nay, Bộ Y tế đã xây dựng được danh mục hơn 300 danh mục cho các chủng loại thiết bị đặc biệt cần phải kiểm tra chất lượng. Đối với các lô hàng hoá xét nghiệm bị bắt giữ vừa qua không nằm trong danh mục phải kiểm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo hàng nhập khẩu mới 100% theo đúng hồ sơ họ đã nộp xin cấp phép. Khi xảy ra sai phạm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngành y tế vào cuộc kiểm tra trên diện rộng
Ông Đặng Văn Chính, Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, ngành y tế đã vào cuộc thanh kiểm tra thiết bị y tế tại những cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là những cơ sở cùng một xét nghiệm nhưng mỗi phòng khám, bệnh viện lại cho kết quả khác nhau. Việc thanh tra được phân cấp cho thanh tra y tế các tỉnh, thành. "Nếu người dân có hồ sơ khám bệnh mỗi nơi cho ra mỗi kết quả khác nhau, gửi tới cơ quan báo chí hoặc Bộ Y tế, chúng tôi sẽ lập tức kiểm tra", ông Chính nói.
Bình luận của bạn