Virus Ebola ‘giết người’ như thế nào?

Ngày 1/8, Bộ Y tế đã gửi công văn khẩn đến UBND các tỉnh thành cảnh báo về dịch Ebola. Tính từ tháng 12/2013 đến 30/7/2014, cả thế giới ghi nhận 1.323 trường hộ mắc virus Ebola, trong đó 729 người tử vong tại 4 quốc gia Tây Phi (Nigeria, Siera Leone, Leberia và Guinea).

Trước tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ông Trần Đắc Phu để giúp người dân hiểu rõ hơn về căn bệnh này và có hướng phòng tránh kịp thời.


Virus Eboal lây truyền từ động vật sang người, hoặc từ người sang người

Thưa ông, thời gian gần đây một loạt các nước Châu Âu và Châu Á lo ngại virus Ebola sẽ thành dịch và tràn sang Việt Nam. Vậy, ông đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của virus này?

Đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Ebola từ các quốc gia khác. Virus này lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Virus cũng lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc với máu hoặc các chất tiết của cơ thể người mắc bệnh.

Những đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola?

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như: mệt mỏi kéo dài, sốt đột ngột, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, suy thận, suy gan, phát ban, chảy máu trong nội tạng… Thời gian ủ bệnh thường từ 2 đến 21 ngày.

Khi nào người dân nên đi khám? Cộng đồng phải làm gì để phòng nhiễm virus Ebola?

Nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do virus Eboal hoặc nếu tiếp xúc với người bị nhiễm/nghi ngờ nhiễm, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để khám. Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ sở y tế để được chăm sóc và giảm thương vong.

Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh do virus Ebola gây ra. Do đó, biện pháp tốt nhất là nâng cao nhận thức để biết cách tự phòng tránh bệnh.

Về phía người nhà bệnh nhân, cần thông báo với cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm. Sau khi tiếp xúc với người bệnh, hoặc dịch tiết cơ thể, vật dụng của người bệnh, nên rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc chất xát khuẩn.


Khi tiếp xúc với người bệnh, cần đi găng tay và bảo hộ cơ thể tránh nhiễm bệnh

Cần tránh tiếp xúc với động vật nghi ngờ hoặc bị nhiễm virus Ebola. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm virus. Thịt và tiết canh của động vật phải được nấu chín kỹ trước khi ăn.

Bộ Y tế có khuyến cáo gì đối với khách du lịch đi lại giữa các quốc gia không, thưa ông?

Do bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể, nên nguy cơ lây nhiễm cho người du lịch là rất thấp.

Khi đi du lịch, người dân nên tránh tiếp xúc với người mắc bệnh. Nếu đã từng ở nơi có dịch, nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và theo dõi bất kỳ triệt chứng đáng ngờ nào của cơ thể. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, người dân nên thông báo ngay với cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt là những người vừa đến/đi từ các quốc gia có dịch. Đồng thời, cần giám sát các cơ sở y tế để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng cách ly, hóa chất…


CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn