Vitamin C - con dao hai lưỡi?

Vitamin C (sinh tố C hay acid ascorbic) phân bố trong các mô cơ thể, khoảng 25% kết hợp với protein trong huyết tương. Vitamin C thực hiện hai chức năng chính là đồng yếu tố (cofactor) của các enzym thúc đẩy các phản ứng sinh hóa và chống oxy hóa.


Vitamin C thúc đẩy phản ứng sinh hóa và chống oxy hóa

Vitamin C có tác dụng trong sự trưởng thành của các sợi collagen (protein sợi của mô liên kết gân, tổ chức dưới da, sụn, xương…). Mặc khác, nó còn làm cho calcium trong ruột tạo thành hợp chất tan, cải thiện tỷ lệ hấp thu calcium vào cơ thể, giảm lượng cholesterol trong máu. Vitamin C cũng giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy sản xuất bạch cầu chống vi khuẩn, virus, đề phòng và giảm quá trình phát triển ung thư, chống stress, giúp tế bào gan giải độc tốt hơn…

Theo khẩu phần dinh dưỡng được khuyến khích (RDA), cơ thể con người cần 60 mg/ngày. Với phụ nữ có thai, cho con bú, giai đoạn tăng trưởng nhanh, người già… nhu cầu này có thể tăng lên.

Không giống với hầu hết các loài động vật khác, cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin C mà phải tổng hợp từ bên ngoài qua thực phẩm hay qua đường uống, tiêm… Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sỹ, thừa hay thiếu vitamin C đều gây hại với sức khỏe.

Thiếu vitamin C gây bệnh scorbus

Thiếu vitamin C là tác nhân gây bệnh scorbus (scurvy), bệnh ảnh hưởng đến sự tổng hợp collagen trong mao mạch, mô liên kết, mô xương khiến vết thương lâu lành, thành mạch yếu dễ dẫn đến xuất huyết ở mức độ khác nhau như chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da gây nên các vết bầm tím…

Bên cạnh đó, khi thiếu vitamin C, sức đề kháng của cơ thể giảm dẫn đến mệt mỏi, suy nhược, tăng sừng hóa quanh lỗ chân lông, đau nhức xương, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn và viêm phổi…


Lưu ý khi trẻ bị thiếu vitamin C

Thừa vitamin C gây sỏi thận

Vitamin C tuy ít tích lũy trong cơ thể nhưng nếu dùng liều cao (hơn 1gam/ngày) hoặc dùng dài ngày có thể dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, giảm độ bền hồng cầu, tạo sỏi oxalate (do dehydroascorbic chuyển thành acid oxalic), hoặc sỏi thận urat. Đặc biệt, với thai phụ, dùng vitamin C liều cao kéo dài gây tăng nhu cầu bất thường về vitamin C ở thai nhi dẫn đến bệnh scorbut sớm ở trẻ sơ sinh.

Trong trường hợp tiêm vitamin C quá liều, cơ thể sẽ bị tán huyết làm giảm thời gian đông máu. Bôi trực tiếp vitamin C lên da dư thừa khiến da mặt bị ửng đỏ, kích ứng và bỏng rát.

Cơ thể con người cần bao nhiêu vitamin C là đủ?

- Lượng vitamin C tối thiểu cần thiết cho cơ thể để ngăn ngừa bệnh Scorbut là 10mg/ngày

- Người không làm việc nặng cần 50-100mg/ngày

- Thai phụ, trẻ em cần khoảng 150mg/ngày


Nên bổ sung vitamin C dưới dạng thực phẩm

- Bệnh nhận có nhu cầu chống bội nhiễm, dự phòng ung thư, kháng dị ứng cần tối thiểu 150mg/ngày

- Bệnh nhân trong giai đoạn phục hồi, công nhân lao động nặng, vận động viên, người nghiện thuốc lá cần 200mg/ngày

- Người sống ở vùng núi lạnh cần 140mg/ngày.

- Khi cần thiết phải dùng vitamin C, không nên uống vào chiều tối vì sẽ gây mất ngủ;

- Không dùng kết hợp với sulfamind (thuốc kháng khuẩn) vì có nguy cơ kết tủa gây sỏi đường tiết niệu;

- Không dùng kết hợp với deferoxamin vì làm tăng độc tính của sắt với các mô, đặc biệt mô tim, dễ dẫn tới tình trạng tim mất bù.

Theo PGS.TS Bùi Khắc Hậu, trường Đại học Y Hà Nội:

Việc dùng vitamin C cần tuân theo tư vấn và hướng dẫn của bác sỹ. Không nên coi vitamin C như một loại thuốc bổ, dùng không giới hạn (đặc biệt là thai phụ, trẻ em). Cũng như không nên coi vitamin C như một thứ thuốc làm “mát” trong mùa nắng nóng. Mỗi gia đình cần cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, chú ý đến bữa ăn của bà mẹ đang mang thai, nuôi con bú và trẻ em. Với người bệnh tăng huyết áp không được dùng vitamin C dạng sủi vì có natri clorid sẽ làm tăng vọt huyết áp sau khi uống. Các trường hợp đang bị sỏi tiết niệu hoặc tiền sử mắc bệnh sỏi tiết niệu cũng không nên dùng hoặc nếu phải dùng thì nên dè dặt và phải có ý kiến của bác sỹ.



CTV4
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Kinh doanh - Tiêu dùng