Vội vàng dùng lại Quinvaxem!

Sau khi có kết quả kiểm định tại một phòng thí nghiệm độc lập ở Vương quốc Anh khẳng định các lô vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem đạt yêu cầu, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng lại vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

An toàn vẫn chưa đủ

Theo GS-TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vắc-xin và sinh phẩm quốc gia, đề xuất sử dụng lại vắc-xin này là một quyết định quá vội vàng. "Việc công bố vắc-xin an toàn chưa đủ thuyết phục để cho dùng lại. Là một thành viên Hội đồng Tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế, tôi không đồng tình với việc sử dụng lại vắc-xin Quinvaxem"- GS-TS Bảng nói.

Sàng lọc sức khỏe ban đầu tốt sẽ loại trừ các nguy cơ phản ứng sau khi tiêm vắc-xin

GS-TS Bảng cho rằng phân tích nguyên nhân liên quan đến các ca tai biến, người ta thường nói đến 5 yếu tố: vắc-xin của nhà sản xuất, vắc-xin sau bảo quản, khám bệnh sàng lọc để xác định đối tượng, kỹ thuật tiêm và cuối cùng là do cơ địa của trẻ em phản ứng với thành phần của vắc-xin.
Sau khi tạm dừng hơn 2 tháng tìm nguyên nhân gây tai biến thì chỉ mới xác định không phải do chất lượng vắc-xin, những yếu tố còn lại vẫn chưa rõ.

GS-TS Bảng đề nghị Bộ Y tế cần có thêm thời gian để đưa ra quyết định dùng lại vắc- xin Quinvaxem. "Dùng lại thì dễ nhưng nếu có vấn đề lại phải dừng lại lần nữa thì không hay. Hơn nữa, khi tạm dừng sử dụng vắc-xin Quinvaxem trên toàn quốc để đánh giá, kiểm định lại chất lượng, Bộ Y tế đã xây dựng đề án thay thế vắc-xin toàn tế bào bằng vắc-xin chứa thành phần ho gà là vô bào trình Chính phủ. Dù thay thế vắc-xin sẽ tốn kém nhưng sức khỏe của cộng đồng là trên hết".

Khám sàng lọc có vấn đề

PGS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng việc sử dụng lại ngay hay kéo dài thêm 4-5 tháng nữa thì nguy cơ tai biến nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra. "Quan trọng là nghiên cứu đổi được lịch tiêm chủng đồng thời phải làm rất tốt công tác khám sàng lọc ban đầu trước khi tiêm chủng. Có như vậy, các yếu tố nguy cơ, tai biến mới giảm"- PGS Huấn nhấn mạnh.

Theo ông Huấn, ở Mỹ, lịch tiêm vắc-xin "5 trong 1" đang được áp dụng ở giai đoạn trẻ 4, 6 và 13 tháng tuổi. Việc thay đổi lịch tiêm để giảm nguy cơ các bệnh trẻ em dễ mắc phải trùng lặp với thời điểm tiêm chủng vì nếu trùng lặp sẽ tạo nên yếu tố cộng hưởng dễ gây ra phản ứng nặng.

Tuy vậy, các chuyên gia đều cho rằng nếu phải thay đổi lịch tiêm đối với vắc-xin Quinvaxem cần có những nghiên cứu để đánh giá tác dụng miễn dịch. "Với bất kỳ vắc-xin nào khi đưa vào sử dụng, nhà sản xuất đều đã đánh giá, thử nghiệm nên việc thay đổi lịch tiêm không thể nói là làm ngay được"- GS-TS Bảng cho biết. Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đề xuất dùng lại vắc-xin, Bộ Y tế chưa có những kiến nghị về thay đổi lịch tiêm và nếu vắc-xin "5 trong 1" Quinvaxem được dùng lại thì các mũi tiêm cho trẻ vẫn là 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Trước thách thức dùng lại vắc-xin có thể gặp lại những trường hợp tử vong sau tiêm, nhiều chuyên gia đề nghị cần siết chặt lại quy trình khám sàng lọc. GS-TS Nguyễn Đình Bảng cho rằng với năng lực y tế cơ sở hiện nay, việc phát hiện một đứa trẻ có cơ địa phản ứng với vắc-xin là vô cùng khó khăn. Nếu một cháu bé khỏe mạnh, vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, lúc khám không sốt, tưởng trẻ khỏe mạnh nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ dị ứng với thành phần của thuốc và vắc-xin.

Ông Trịnh Quân Huấn cũng nhìn nhận công tác sàng lọc trước tiêm đang có vấn đề. Tại một điểm tiêm chủng có tới hàng chục trẻ đến tiêm ồ ạt thì khó mà sàng lọc tốt được. "Cần căn cứ vào khả năng của điểm tiêm chủng mà có hướng phân loại đối tượng tiêm cho phù hợp. Không nên dồn vào một ngày trong một tháng mà kéo dài thời gian tiêm để sàng lọc được tốt hơn"- PGS Huấn đề nghị.

Rẻ tiền thì phải mạo hiểm

Giới chuyên môn cho rằng dù vắc-xin toàn tế bào hay vô bào đều có phản ứng phụ. Không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối. Với vắc-xin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà vắc-xin toàn tế bào (dùng xác vi khuẩn ho gà) nên dễ gây phản ứng với những cơ địa nhạy cảm. Nhà sản xuất cũng đã cảnh báo về điều này. Còn vắc-xin vô bào được thay thế bằng thành phần kháng nguyên đặc thù nên tinh khiết hơn. Hiện nhiều nước có điều kiện đã thay thế vắc-xin toàn tế bào sang vắc-xin vô bào, tuy nhiên do giá vắc-xin này khá cao (600.000-700.000 đồng/mũi tiêm) nên sau khi cân nhắc khả năng phòng bệnh, nhiều quốc gia vẫn sử dụng vắc-xin toàn tế bào.

Theo Ngọc Dung (nguoilaodong)
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin