"Bác sỹ thờ ơ, bé trai bị cắt cụt chân": Bác sỹ không phát hiện tắc động mạch khoeo

Cháu Nguyện đi lại khó khăn sau khi phẫu thuật cắt cụt chân (Ảnh: Trần Thanh Phong)

Bác sỹ thờ ơ, bé trai bị cắt cụt chân: Bộ Y tế yêu cầu xác minh, xử lý

Ngừa cắt cụt chân ở bệnh nhân đái tháo đường

Cụt chân tay vì thuốc lá

Thờ ơ với 'sát thủ thầm lặng'

Bác sỹ Nguyễn Minh Tùng - Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị xác minh, giải quyết theo nội dung đơn ông Trương Văn Thật (cha cháu Nguyện) yêu cầu làm rõ nguyên nhân và có hình thức xử lý một số y, bác sỹ của Bệnh viện (BV) Đa khoa Bạc Liêu tắc trách, chủ quan, lơ là dẫn đến con ông bị cắt cụt chân.

Theo đó, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng chuyên môn (HĐCM), mời các bác sỹ chuyên khoa ngoại ở một số BV trong tỉnh và khu vực để đánh giá, xác định nguyên nhân một cách khách quan về công tác khám và điều trị cho cháu Nguyện.

HĐCM xác định nguyên nhân dẫn đến cháu Nguyện phải cắt cụt chân là trường hợp có tổn thương động mạch khoeo nhưng không được bác sỹ phát hiện, bởi các nguyên nhân sau: Việc tổn thương động mạch khoeo trên cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng là rất hiếm gặp, khó chẩn đoán. Tại Bạc Liêu trên 30 năm qua chỉ xảy ra 2 trường hợp. Vì vậy, các bác sỹ không có kinh nghiệm để phát hiện tắc mạch sớm và không tiên lượng được bệnh để có chỉ định thêm các phương pháp cận lâm sàng và giải thích cho người nhà biết hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên sớm hơn.

Theo BS. Tùng, trên thực tế đã có nhiều trường hợp đứt hoặc tắc động mạch khoeo hoàn toàn nhưng bác sỹ khám lâm sàng và siêu âm màu vẫn không xác định được. Vì vậy, việc chẩn đoán, xác định tắc mạch khoeo bằng các phương pháp thông thường là rất khó khăn. HĐCM cho rằng qua báo cáo nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới, nếu phát hiện trước 6 giờ thì khả năng nối mạch khoeo cứu sống chân đạt tỷ lệ 100%; Phát hiện tắc động mạch khoeo từ 6 - 8 giờ thì khả năng chữa được khoảng 50%; Phát hiện từ 8-12 giờ, khả năng chữa được là 30%. Đặc biệt, nếu phát hiện tắc mạch khoeo sau 12 giờ thì khả năng bảo tồn chân là rất thấp. Do đó trường hợp của cháu Nguyện không phát hiện được sớm và chuyển lên tuyến trên trể so với thời gian nêu trên thì không thể giữ được chân của bệnh nhân.

HĐCM kết luận đây là một sai sót do y, bác sỹ thiếu kiến thức chuyên khoa sâu về chuyên ngành chấn thương chỉnh hình nên không phát hiện sớm tắc động mạch khoeo dẫn đến biến chứng phải cắt cụt chân của bệnh nhân. Về công tác chăm sóc và điều trị cho cháu Nguyện, HĐCM qua xem xét toàn bộ hồ sơ, bệnh án không phát hiện sai phạm về tinh thần, thái độ phục vụ cũng như sai phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật của các y, bác sỹ BV Đa khoa Bạc Liêu.

BS. Tùng cho biết thêm, qua kết luận về trường hợp của cháu Nguyện, Sở Y tế đã báo cáo với Bộ Y tế, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu. Sắp tới Sở sẽ tổ chức mời gia đình cháu Nguyện lên để giải thích rõ kết luận của HĐCM. Với những sai sót nêu trên Sở Y tế đã chỉ đạo BV Đa khoa Bạc Liêu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm toàn bộ y, bác sỹ chuyên khoa ngoại của BV. Đồng thời đưa đi đào tạo chuyên khoa sâu để nâng cao trình độ, tay nghề y, bác sỹ. Sở Y tế cũng yêu cầu BV giải thích rõ, xin lỗi, động viên và hỗ trợ cho gia đình cháu Nguyện.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn