Trong xã hội hiện đại, khi mà mối quan hệ giữa con người ngày càng trở nên phức tạp, chuyện ngoại tình, “bồ bịch” trở nên phổ biến hơn thì cũng là lúc người trong cuộc nảy sinh những nghi ngờ về huyết thống, quan hệ cha – con, họ hàng. Thực tế, nếu mối nghi ngờ này không được hóa giải thì sẽ tạo ra khoảng cách, vết nứt trong gia đình, sống cạnh nhau nhưng không có niềm tin về nhau. Xét nghiệm ADN là cách xác định huyết thống chính xác nhất hiện nay và nó trở thành công cụ để những ông bố, bà mẹ tìm hiểu, xác định người “thuộc diện nghi vấn” có cùng quan hệ huyết thống với mình.
Những mối nghi ngờ sẽ được giải tỏa nhờ xét nghiệm ADN (ảnh minh họa)
Là một người đã gắn bó khá lâu với công việc này, Th.S Ngô Đức Phương (Phó Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ phân tích di truyền Gentis) cho biết, trung tâm có nhiều dịch vụ xét nghiệm ADN nên mục đích của người đến cũng khá đa dạng: xác định quan hệ cha con để giải tỏa nghi ngờ hoặc cũng dùng để làm khai sinh lại hoặc nhập quốc tịch cho cháu bé, phục vụ tòa án và các đại sứ quán; tìm kiếm người thân sau nhiều năm thất lạc; giám định hài cốt người thân; giải trình tự gen để xác định các đột biến gen trong điều trị ung thư…. Trong đó, khách hàng phần nhiều là đàn ông, lý do họ đi xét nghiệm là vì nghi ngờ chuyện tình cảm của vợ, cũng có trường hợp đi xét nghiệm ADN miễn cưỡng vì những người khác trong gia đình nghi ngờ.
“Cùng là một kết quả cho nhận hay không cho nhận (có quan hệ cha con hay không), phản ứng của khách hàng hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, tờ kết quả đúng là cha con thì có anh rất buồn vì bị “úp sọt” hoặc một đôi nào đó quan hệ ngoài luồng mà để lại “hậu quả”; nhưng cũng không ít người vui vì mọi nghi ngờ của mình từ trước là không đúng, hay một cô gái nào đó muốn có mối ràng buộc với một đại gia để moi tiền,… Còn với tờ kết quả không đúng thì ngược lại, có người vui vì sản phẩm đó không phải của mình, có người buồn vì nghĩ mình đã bị lừa và nuôi con tu hú bấy lâu nay”, anh Phương chia sẻ.
Anh Phương từng gặp nhiều tình huống bi hài khi làm công việc này
Trong quá trình thực hiện các ca xét nghiệm ADN, anh Phương đã từng chứng kiến không ít câu chuyện bi hài. Có một câu chuyện vô cùng lắt léo mà đến giờ anh vẫn nhớ rất rõ. Đó là một người phụ nữ ở Ninh Bình mang 2 mẫu của người con và 1 mẫu nói là của bố nó đến làm xét nghiệm ADN để kiểm tra xem có phải là cha con hay không. Sau 1 thời gian làm xét nghiệm, trung tâm kết luận 2 mẫu này không phải là cha con. “Người phụ nữ đó hỏi kết quả có chính xác hay không và chúng tôi khẳng định là hoàn toàn chính xác”, anh Phương nói.
Một thời gian sau đó, có một người đàn ông trạc tuổi 60 mang 1 mẫu tóc nói là của đứa cháu trai nội và do không thu được mẫu của bố nó nên đề nghị làm xét nghiệm kiểm tra xem có phải là cháu của ông hay không. Kết quả cho thấy 2 người có quan hệ huyết thống theo dòng cha (di truyền theo dòng cha – trên NST Y). Vị khách này nói rằng đứa bé chính là con của con trai ông đã làm lần trước và trung tâm đã kết luận không phải cha con. Như vậy là 2 tờ kết quả có sự mâu thuẫn!? Nhận được phản hồi ấy của khách hàng, anh Phương khẳng định 2 kết quả đều hoàn toàn chính xác.
Sau khi phân tích, anh Phương đặt ra 3 tình huống cụ thể: Hoặc người con trai kia không phải là con đẻ của ông mà là con của 1 người nào đó trong gia đình ông (theo dòng cha); hoặc đứa bé kia không phải là con của con trai ông (nếu người đàn ông kia là con trai ông) và đứa bé sẽ là con của một người đàn ông nào đó trong dòng họ; hoặc cả người đàn ông kia và đứa bé chính là con đẻ của ông. Tuy nhiên, vì tình huống cuối cùng khá nhạy cảm nên trung tâm chưa nói vội với khách hàng.
Anh Phương tâm sự: “Chúng tôi đã hẹn với khách hàng là sẽ cho kiểm tra lại để ông yên tâm về 2 tờ kết quả. Tuy nhiên, song song với việc kiểm tra để khẳng định 2 lần xét nghiệm đó thì chúng tôi làm thêm 1 xét nghiệm xác định mối quan hệ cha con giữa “ông” và “cháu”. Kết quả cho thấy “ông nội” chính là cha đẻ của “cháu nội”.
Khi khẳng định lại với khách hàng về các kết quả đó, lúc đầu khách hàng có chối, nhưng sau khi phân tích tình huống và “động viên” về tính bảo mật thông tin cũng như tính khoa học của các xét nghiệm cho khách hàng thì ông này mới thừa nhận việc đó rồi nhận lại 2 tờ kết quả với vẻ mặt lo âu và ra về.
Kết quả xét nghiệm ADN sẽ là câu trả lời cho các khúc mắc về huyết thống, quan hệ ngoài luồng (ảnh minh họa)
Chuyện người thân trong gia đình “nghi ngờ hộ” bố của đứa nhỏ cũng rất nhiều: “Có trường hợp bà nội tự mang mẫu của cháu bé và đến thanh minh với chúng tôi về việc con dâu có tính đong đưa, hay thời gian tính ngày sinh không khớp đã đến với chúng tôi để giải tỏa mối nghi ngờ đó”. Sau khi xét nghiệm, kết quả là cho – nhận, đồng thời được anh Phương giải thích thêm về cách tính ngày mang thai, người bà này mới hiểu rõ sự thực và thôi không nghi ngờ con dâu cũng như cháu nội nữa.
Lĩnh vực xét nghiệm ADN tương đối nhạy cảm, một tờ kết quả có thể ảnh hưởng đến cả tương lai và hạnh phúc của một gia đình. “Trung thực, công tâm, cẩn thận là những đức tính cần thiết cho mọi ngành nghề, đối với người làm xét nghiệm ADN thì càng nên tuân thủ, coi trọng những tiêu chí này”, anh Phương nói.
Bình luận của bạn