Bệnh nhân đã được phẫu thuật và truyền máu kịp thời - ảnh: BVĐK Lai Châu
Bạn có biết máu hiến tặng được sử dụng như thế nào?
Người đàn ông có dòng máu 'vàng' cứu được hơn 2 triệu mạng sống
Cứu nghìn mạng sống nhờ những người mang dòng máu hiếm
Câu lạc bộ máu hiếm thêm một lần cứu sống trẻ bị bệnh hiếm
Chuyến đi kéo dài 6 giờ đồng hồ từ 20h30 ngày 28/3 từ Hà Nội đến BVĐK Lai Châu lúc 2h30 sáng ngày 29/3/2017... Những chuyến xe chuyển máu cấp cứu vượt hàng trăm km đường dài mang máu đến cho người bệnh, bất kể ngày đêm, ngày thường cũng như ngày nghỉ, ngày lễ đã trở nên thường nhật với cán bộ, nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Ngày 28/3/2017, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Lai Châu tiếp nhận bệnh nhân người Ukraina, 38 tuổi, bị tai nạn khi đang đi du lịch tại Lai Châu. Bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương bụng kín, vỡ lách, chảy máu ổ bụng. Kết quả xét nghiệm cho thấy, huyết sắc tố giảm xuống 73g/l; Hồng cầu 2,1x1012/l, bệnh nhân có biểu hiện sốc mất máu nặng, cần truyền máu khẩn cấp và phẫu thuật điều trị chấn thương vỡ lách. Nhưng việc phẫu thuật và truyền máu không đơn giản, vì bệnh nhân mang nhóm máu O Rh(-), trong khi đó bệnh viện không có đơn vị máu nào thuộc nhóm máu này.
BVĐK Lai Châu lập tức liên hệ về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (VHH) đề nghị cung cấp máu. Rất may mắn trong Ngân hàng máu của Viện có nguồn máu Rh(-) dự trữ, VHH nhanh chóng bố trí đội ngũ cán bộ, nhân viên lái xe chuyển 4 đơn vị máu nhóm O Rh(-) đi ngay trong đêm, chuyến đi kéo dài 6 giờ đồng hồ từ 20h30 ngày 28/3, đến BVĐK Lai Châu lúc 2h30 sáng ngày 29/3/2017. Bệnh nhân đã được truyền máu kịp thời và các bác sỹ của BVĐK Lai Châu đã thực hiện thành công ca phẫu thuật, giúp cho người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
BS. Đỗ Văn Giang - Giám đốc bệnh viện cho biết: "Đây là ca bệnh đầu tiên cần truyền nhóm máu hiếm Rh(-) tại bệnh viện, khi đó chúng tôi rất bị động vì không có máu Rh(-) dự trữ. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ kịp thời, có sự điều phối nhanh chóng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ca mổ đã được thực hiện, bệnh nhân được truyền máu qua cơn nguy kịch”.
Rh(-) là một nhóm máu thuộc hệ Rh, theo báo cáo mới nhất, hiện nhóm máu này chiếm khoảng 0.134% dân số Việt Nam. Đây là nhóm máu có tỷ lệ thấp. Năm 2007, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương thành lập Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(-) miền Bắc. Từ chỗ chỉ có hơn 20 thành viên, đến nay câu lạc bộ đã tập hợp được số thành viên tăng lên hàng trăm người. Đồng thời, Viện còn đang quản lý danh sách hơn 1.000 người nhóm máu Rh(-). Đây là nguồn người hiến máu quan trọng, giàu lòng nhân ái, luôn sẵn sàng tham gia hiến máu bất cứ khi nào người bệnh cần máu.
Trong quá trình hoạt động, câu lạc bộ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban lãnh đạo Viện, với sáng kiến kết bạn cùng nhóm máu. Các thành viên nhóm máu hiếm được tham gia, gặp gỡ nhau trong cùng một cộng đồng, họ còn biết và gắn bó với chính những thành viên cùng nhóm máu như: Nhóm bạn O(-),nhóm bạn A(-), hay B(-), AB(-), cùng hỗ trợ nhau khi có người cần truyền máu và cho cả những người bệnh không quen biết như trường hợp bệnh nhân người nước ngoài…
Tuy nhiên, để câu lạc bộ thực sự phát triển hơn nữa, thì "rất cần mở rộng câu lạc bộ về các địa phương, tổ chức mô hình câu lạc bộ Rh(-) tại các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa,…” - GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã nhấn mạnh.
Câu chuyện về người bệnh cần máu trên đây chỉ là một trong hàng triệu ca bệnh cần truyền máu mỗi năm. Điều đó càng chứng tỏ rằng, máu luôn rất cần cho điều trị và dự phòng. Sự tận tụy, lương tâm và trách nhiệm của cán bộ, nhân viên y tế trong mỗi việc làm, như việc vượt hàng trăm km trong đêm, không ngủ mang máu đến cho người bệnh rất đáng được trân trọng. Và việc thành lập những câu lạc bộ hiến máu dự bị, câu lạc bộ máu hiếm tại mỗi địa phương là cần thiết để nhân rộng hơn tấm lòng nhân ái và hỗ trợ cho ngành Y tế chủ động hơn trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bình luận của bạn