WHO báo động về sự lạm dụng thuốc kháng sinh

Một kết quả phân tích mới đây cho thấy, chỉ 5 nước có nền kinh tế đang lên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã tiêu thụ đến 76% khối lượng thuốc kháng sinh tăng lên trên phạm vi toàn cầu. Trong số đó, Ấn Độ đứng đầu với mức tiêu thụ từ 8 tỷ viên thuốc kháng sinh năm 2001 lên 12,9 tỷ viên trong năm 2010, bình quân mỗi người Ấn Độ tiêu thụ 11 viên/năm.

Tháng 7/2014, Thủ tướng Anh David Cameron đã cảnh báo rằng thế giới sẽ trở lại thời kỳ đen tối về thuốc điều trị, khi những giống vi khuẩn nguy hiểm đang ngày càng kháng thuốc, và các hãng dược phẩm đã thất bại trong việc điều chế các loại thuốc kháng sinh mới trong suốt 25 năm qua.

3 thuốc kháng sinh bị lạm dụng nhiều nhất là Cephalosporin, Penicillin và Fluoroquinolone. Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Ấn Độ cho biết nhiều người dân Ấn Độ còn tự mình "ra toa" đi mua thuốc kháng sinh mà không cần đi khám bác sĩ, một phần do số bác sĩ tại nước này quá ít, một bác sĩ cho 1.700 dân, phần khác do có đến 29% dân số sống dưới mức nghèo khổ.


Bình quân mỗi người tiêu thụ 11 viên kháng sinh mỗi năm

Theo nhận định của nhà nghiên cứu Ramanan Laxminarayan, Giáo sư Trường Đại học Princeton (Mỹ), đằng sau sự lạm dụng thuốc kháng sinh tại Ấn Độ là sự gia tăng thu nhập của người dân, việc họ dễ dàng mua thuốc mà không cần có toa bác sĩ và sự nhiệt tình của giới thầy thuốc khi cho những toa có nhiều thuốc kháng sinh như một cách gián tiếp trấn an người bệnh.
Hậu quả nhãn tiền của sự lạm dụng thuốc kháng sinh, như các nhà y học đã cảnh báo, là tình trạng kháng thuốc của nhiều tác nhân gây bệnh và chỉ riêng ở châu Âu, tình trạng này đã gây ra 25 ngàn cái chết mỗi năm.


Lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây ra 25 ngàn cái chết ở châu Âu mỗi năm

Để góp phần giảm thiểu nạn lạm dụng thuốc kháng sinh, cần có nhiều biện pháp đồng bộ tại các nước nghèo như nâng cao dân trí, giúp đa số người dân có những hiểu biết tối thiểu về thuốc và hậu quả của sự lạm dụng thuốc, đào tạo đủ số cán bộ y tế đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh của người dân và xây dựng một chính sách bảo hiểm y tế phù hợp với đời sống cộng đồng.

Bên cạnh đó, các tập đoàn dược phẩm cần nghiên cứu, cho ra đời những loại thuốc trị bệnh, đặc biệt là thuốc kháng sinh, ít bị vi khuẩn kháng thuốc. Điều này không dễ dàng, khi mà chi phí nghiên cứu một loại dược phẩm mới khá cao và việc tung một loại thuốc mới ra các nước nghèo không mang lại cho họ những khoản lợi nhuận béo bở so với việc điều chế thuốc cho những bệnh "nhà giàu" như tim mạch, béo phì, tiểu đường, v.v…

Nói chung, cần phải có một tầm nhìn bao quát và một kế hoạch hành động toàn cầu với sự hợp tác của nhiều nước công nghiệp hóa mới có thể hy vọng vào việc ngăn chặn khả năng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

CTV9
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn