WHO cảnh báo biến thể Delta sẽ tiếp tục thống trị

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu ngày 21/7 tại Nhật Bản

Việt Nam vượt 71.000 ca COVID-19, Hà Nội dừng bay tới Cần Thơ, Phú Quốc

Cách ly tập trung người ở vùng dịch về Hà Nội từ 0h ngày 22/7

Phát hiện hàng trăm ca dương tính tại cơ sở cai nghiện ở Bình Dương

Điểm nhấn trong Nghị quyết của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 là gì?

Biến thể Delta sẽ trở thành chủng trội trên toàn cầu trong vài tháng tới

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, biến thể Delta (lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ) hiện đã được ghi nhận tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều hơn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ so với tuần trước. Biến thể này được phát hiện trong hơn 3/4 số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gene tại nhiều nước như Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.

"Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn so với các biến thể không thuộc nhóm biến thể gây lo ngại (VOCs - Variants of Concern). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định rõ ràng cơ chế chính xác giúp biến thể này tăng khả năng lây nhiễm", WHO cho biết.

Biến thể Delta sẽ trở thành chủng lây lan thống trị trên toàn thế giới trong thời gian tới

WHO cũng đưa ra cảnh báo: “Dự kiến biến thể Delta sẽ nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan thống trị trong những tháng tới”. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện một chủng virus mới còn nguy hiểm hơn biến thể Delta trong tương lai.

Ngoài Delta, WHO cũng lo ngại 3 biến thể khác gồm Alpha, Beta và Gamma. Theo đó, biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, hiện được ghi nhận ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 6 so với tuần trước). Biến thể Beta lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, hiện được ghi nhận ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 7 so với tuần trước). Biến thể Gamma được phát hiện lần đầu ở Brazil, cho đến nay xuất hiện ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 3 so với tuần trước).

WHO lên án sự bất công trong phân bổ vaccine COVID-19 trên thế giới

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, để ngăn chặn đại dịch COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế toàn cầu, mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số của mỗi quốc gia là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc thế giới không chia sẻ vaccine COVID-19, xét nghiệm và phương pháp điều trị đang tạo nên một "đại dịch 2 hướng". Theo đó, các quốc gia phát triển, có đủ nguồn lực, vaccine COVID-19 đang dần mở cửa trở lại, trong khi các quốc gia khác đang đóng cửa để giảm sự lây lan của virus. Cụ thể, 75% tổng số liều vaccine (hơn 3,5 tỷ liều) đã được tiêm ở 10 quốc gia. Trong khi đó, chỉ 1% người dân ở các quốc gia nghèo hơn được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Sự phân bổ vaccine COVID-19 không đồng đều trên khắp thế giới đang che giấu một "sự bất công kinh hoàng", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh. "Đây không chỉ là một sự xúc phạm về mặt đạo đức, mà còn là sự thất bại về mặt dịch tễ học và kinh tế” khi đại dịch COVID-19 càng kéo dài càng gây ra nhiều bất ổn về kinh tế - xã hội.

"Đại dịch là một bài kiểm tra và thế giới đang thất bại", ông Tedros nói. Mối đe dọa toàn cầu của đại dịch sẽ vẫn hiện hữu cho đến khi tất cả các quốc gia có khả năng xử lý căn bệnh này. "Vaccine là công cụ mạnh mẽ và thiết yếu. Nhưng thế giới đã không sử dụng chúng hiệu quả", ông nói. Thay vì được triển khai rộng rãi, vaccine lại tập trung vào “bàn tay và cánh tay của số ít người may mắn", Tổng Giám đốc WHO cho biết.

"Đại dịch sẽ kết thúc khi thế giới chọn cách kết thúc nó. Điều đó phụ thuộc vào chúng ta”. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi các nền kinh tế hàng đầu thế giới đi đầu trong việc chia sẻ vaccine và tài trợ cho các chương trình phân bổ vaccine, khuyến khích các công ty mở rộng quy mô sản xuất vaccine COVID-19.

Theo thống kê của WHO, thế giới ghi nhận thêm 3,4 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần, tính đến ngày 18/7, tăng 12% so với tuần trước. "Với tốc độ này, tổng số ca COVID-19 được ghi nhận trên toàn cầu có thể vượt 200 triệu ca trong 3 tuần tới", WHO dự báo.

WHO cho biết sự gia tăng về số ca nhiễm trên toàn cầu do tác động của 4 yếu tố, bao gồm: Nhiều biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh xuất hiện, nhiều nước nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, các hoạt động giao lưu xã hội gia tăng và vẫn còn số lượng lớn những người chưa được tiêm vaccine COVID-19.

Vi Bùi H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội