Xung quanh vụ tử vong sau thủ thuật nội soi dẫn lưu mủ bể thận tại viện E

Tuy nhiên, một số ý kiến đặt ra nghi vấn có hay không việc cấp cứu chậm trễ khiến BN tử vong? Y bác sĩ không đủ trình độ chuyên môn cũng tham gia phẫu thuật khiến việc xử trí ca bệnh không kịp thời?... PV đã vào cuộc tìm hiểu thực hư vấn đề.

Tử vong sau thủ thuật nội soi dẫn lưu mủ bể thận, vì sao?
Lãnh đạo Bệnh viện E Trung ương trả lời báo chí.

Nhồi máu cơ tim cấp trên nền bệnh tật phức tạp

Trao đổi với PV, PGS.TS. Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E cho biết, ca tử vong khi vừa kết thúc thủ thuật nội soi dẫn lưu mủ bể thận xảy ra tại bệnh viện (BV) ngày 24/3 vừa qua là một BN nam 66 tuổi, ở Hà Nội. Đến thời điểm này, gia đình BN hết sức chia sẻ với BV do đây là tai biến hi hữu và không có bất cứ ý kiến phê phán gì về thái độ ứng xử của nhân viên y tế trong suốt 8 ngày nằm điều trị tại đây.

Trước đó, BN nhập viện trong tình trạng hơi sốt, huyết áp 160/90mmHg, bạch cầu tăng cao, đường huyết tăng nhẹ, chức năng thận ở mức trung bình. 6 tháng trước, BN có biểu hiện đau vùng thắt lưng trái, đi tiểu buốt, tiểu dắt, đau đầu, chóng mặt. Hình ảnh chiếu chụp cho thấy, BN có sỏi san hô bên thận phải đường kính lớn 4,6cm; xung quanh có rất nhiều sỏi nhỏ. Các bác sĩ ước tính sỏi san hô này phải hình thành trong 10 năm. Sỏi niệu quản trái gây ứ nước và câm thận. Khai thác tiền sử, BN bị tăng huyết áp đã 10 năm, rối loạn mỡ máu. BN đã được điều trị kháng sinh, dùng thuốc hạ áp, chống nhiễm khuẩn... trước khi được chỉ định làm thủ thuật nội soi. Điều kiện sức khỏe đủ để thực hiện thủ thuật. Sau khi các bác sĩ hội chẩn, có chỉ định thăm dò tán sỏi nội soi.

ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng khoa Thận tiết niệu (BV E) - người trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật này cho biết: "BN được gây tê tủy sống và làm thủ thuật. Khi nội soi tới 1/3 trên niệu quản trái thấy sỏi. Đẩy sỏi lên bể thận thì thấy nhiều mủ xanh vàng nên đặt sonde JJ dẫn lưu, rút máy soi. Khi kết thúc thủ thuật, BN đột ngột khó thở, co rút toàn thân, monitoring (máy theo dõi chức năng sống) báo có dấu hiệu ngừng tim. Chúng tôi đã nhanh chóng cấp cứu tích cực và chuyển BN sang Khoa Hồi sức tích cực cách đó 10m, sốc điện, mở khí quản..., nhưng BN không có chuyển biến gì và đã tử vong. Kết luận lúc tử vong là: Nhồi máu cơ tim cấp trên bệnh nhân tăng huyết áp 10 năm có biến chứng/sỏi tiết niệu hai bên, ứ mủ thận trái/ rối loạn chuyển hóa lipid đường. Đây là trường hợp đặc biệt hi hữu mà chúng tôi gặp phải, bởi lẽ BV đã tán sỏi và làm thủ thuật nội soi đến hàng nghìn ca và chưa gặp ca bệnh nào như vậy. Tỉ lệ biến chứng do phẫu thuật nội soi lĩnh vực thận tiết niệu vốn không nhiều, một số biến chứng nhẹ sau khi can thiệp như đái máu, nhiễm khuẩn nhẹ... thông thường dùng kháng sinh sẽ khỏi".

Bác sĩ tay nghề "non"tham gia phẫu thuật?

Sau khi xảy ra ca tử vong, có ý kiến cho rằng BN tử vong là do việc cấp cứu chậm trễ, kíp phẫu thuật không đảm bảo chuyên môn khiến BN "chết oan" (?). ThS. Tuấn khẳng định: "Trên một cơ địa BN vốn rất phức tạp, chúng tôi đã cấp cứu đúng quy trình chuyên môn, đặc biệt là tinh thần thái độ, xử lý cấp cứu tại chỗ hết sức khẩn trương. Việc chỉ định thăm dò tán sỏi nội soi là phù hợp vì nếu không tán sỏi, tình trạng BN sẽ nguy hiểm hơn. Kỹ thuật nội soi ít xâm lấn này cũng đã được thực hiện tại BV E từ hơn 3 năm nay với gần 1.000 BN được thực hiện thành công, BN hồi phục nhanh, không phải nằm viện lâu".

ThS. Tuấn khuyến cáo những BN bị sỏi thận nên đến các cơ sở y tế sớm để phát hiện bệnh sớm nhằm ngăn ngừa các biến chứng. Sỏi thận để lâu ngày dễ gây ra tình trạng tăng huyết áp, tổn thương tim, dễ nhiễm trùng, ứ mủ thận gây hỏng thận.

Cũng theo ThS. Tuấn, ca bệnh này nghĩ nhiều đến ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp nặng, loại trừ sốc thuốc (thuốc gây tê tủy sống...) hoặc sốc nhiễm khuẩn do bục ổ mủ bể thận mạn tính. Trường hợp sốc như vậy thì với điều kiện cấp cứu chỉ cách Khoa Hồi sức tích cực 10m, các bác sĩ hoàn toàn có thể xử lý được.

Trả lời câu hỏi của PV, có hay không việc y bác sĩ thiếu kinh nghiệm tham gia vào ca phẫu thuật nội soi tán sỏi, BS. Nguyễn Vĩnh Hưng - Trưởng khoa Thận tiết niệu (BV E) khẳng định: "Phòng tiến hành tán sỏi có diện tích không dưới 20m2, hoàn toàn đạt quy chuẩn. Phòng cũng có đầy đủ các phương tiện cấp cứu và được bố trí gần thang máy, cách phòng Hồi sức tích cực chỉ 10m, thuận tiện cho việc vận chuyển BN. ThS. Nguyễn Minh Tuấn - người trực tiếp thực hiện ca mổ đã có 15 năm kinh nghiệm, còn 2 điều dưỡng đều có bằng đại học. Tôi khẳng định kíp mổ hôm đó là những bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm và chuyên môn tốt".

Theo BS. Hưng, để có thể thành thục tán sỏi và làm thủ thuật nội soi cho người bệnh, một bác sĩ phải bỏ ra hàng chục năm tích lũy kinh nghiệm, vừa học vừa làm. Khi đã có thể tán sỏi được thì yêu cầu bác sĩ đó phải tán sỏi ngoài cơ thể không gây hại cho người bệnh rồi mới được tiến hành tán sỏi nội soi. Chính vì vậy, mặc dù đơn vị Thận tiết niệu thành lập cùng BV E từ năm 1967 nhưng mãi đến năm 2005, BV mới đồng ý cho các bác sĩ thực hiện những ca soi bàng quang đầu tiên. Bác sĩ Tuấn - người trực tiếp đứng mổ đã có nhiều năm kinh nghiệm, trình độ thạc sĩ. Tương tự vậy, bác sĩ gây mê là BSCK2 cũng có nhiều kinh nghiệm, đạo đức tốt. Hai điều dưỡng trong ca mổ đều có trình độ ĐH chuyên ngành về thận tiết niệu. Điều đó khẳng định rằng, chất lượng cán bộ chuẩn bị cho tán sỏi nội soi được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng chứ không thể có chuyện những người không đủ tay nghề tham gia thủ thuật tán sỏi cho người bệnh.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin