Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hà Nội phải xét nghiệm 100% dân

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định tầm quan trọng của việc tiến hành xét nghiệm 100% dân cư ở Hà Nội - Ảnh: Vietnamnet

Bộ Y tế khuyến cáo có thể tiêm trộn mũi 1, mũi 2 bằng vaccine Moderna và Pfizer

Bổ sung dinh dưỡng cho người sau điều trị COVID-19

Thủ tướng: Phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9

Những tỉnh, thành nào đang kiểm soát tốt dịch bệnh?

Chiều 8/9, UBND TP.Hà Nội đã ban hành kế hoạch xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. Yêu cầu của kế hoạch là đến ngày 15/9, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần). Xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh và tại cộng đồng.

Xét nghiệm 3 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Thành phố cũng hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên. Áp dụng xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp. Trường hợp xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, phải trả kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã điều động hơn 10 tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ cho Hà Nội và có những địa phương lên tới 500- 600 người, thậm chí như Bắc Giang còn tăng cường 800 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội triển khai hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng.

Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố; ngân sách quận, huyện, thị xã; từ chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. 

Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét nghiệm COVID-19 cho 100% dân số của Hà Nội là việc làm đầy lãng phí bởi người ở vùng xanh về cơ bản đâu cần làm. Thậm chí có không ít người lo rằng điều này còn tiềm ẩn rủi ro vì có thể dẫn tới việc lây nhiễm khi người dân tập trung đông đi xét nghiệm và không đảm bảo các yêu cầu phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Về vấn đề này, đích thân Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có lời giải thích cụ thể. Theo Bộ trưởng, đây là việc làm rất cần thiết và có thể nói là không thể không tiến hành. Để tìm ra các F0 trong cộng đồng thì chỉ có đúng 1 cách là làm xét nghiệm trên diện rộng.

Bộ trưởng khẳng định thời gian qua, Hà Nội vẫn liên tục phát hiện các F0. Dù ít, dù nhiều thì điều đó cũng cho thấy rằng mầm bệnh vẫn đang lây lan, len lỏi trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Đó là lý do mà Thủ đô thực hiện việc giãn cách xã hội trong thời gian rất dài vừa qua. Phải phát hiện và bóc tách các F0 khỏi cộng đồng thì Hà Nội mới có thể sớm nới dần giãn cách và xa hơn là dỡ bỏ giãn cách để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân trên địa bàn TP.Hà Nội- Ảnh: MOH

Liên quan đến việc xét nghiệm 100% dân Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng. Bên cạnh đó là bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Quận 7, huyện Củ Chi (TP.HCM) hay Khánh Hòa… Đó là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng”.

Về ý kiến việc xét nghiệm 100% dân cư sẽ gây nên sự lãng phí ngân sách, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Cần phải khẳng định một điều muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn phát hiện sớm nếu không xét nghiệm. Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm”.

Hiện Bộ Y tế vẫn đang hướng dẫn các địa phương tiến hành gộp mẫu mẫu xét nghiệm (có thể gộp 10) trong trường hợp có thể thì giá thành xét nghiệm rất rẻ. Các “vùng đỏ” xét nghiệm nhiều lần nhưng đối với “vùng xanh” vẫn phải làm xét nghiệm để biết không có mầm bệnh. Từ đó yên tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Bộ trưởng khẳng định: “Đây là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 coi công tác xét nghiệm là vấn đề then chốt để phòng, chống dịch”. 

Đức Bình+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin