Cơm trắng đổi màu đỏ rực: Có kết luận chính thức

Qua sử dụng phương pháp phổ hồng ngoại (IR) và phổ huỳnh quang tia X (XRF), không phát hiện chất lạ

Thực hư "gạo lạ" nấu cơm để qua đêm đổi màu đỏ quạch

Xôn xao thông tin thịt lợn đổi màu sau khi luộc ở Quảng Nam

Dân làng hoang mang vì tin đồn bị bỏ bùa thuốc độc

Nghi mua nhầm tôm nhựa: Người dân hoang mang

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 – Bộ Khoa học và Công nghệ đã có kết luận không tìm thấy bất thường trong mẫu gạo lấy từ nhà ông N.V.T ở ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Qua phân tích, Trung tâm nhận thấy ngoại quan hạt gạo dài, hơi trong, màu trắng ngà và chứa thành phần chính là carbohydrate, protein.

Qua sử dụng phương pháp phổ hồng ngoại (IR) và phổ huỳnh quang tia X (XRF), không phát hiện chất lạ. Cơm nấu chín để qua đêm ở nhiệt độ phòng và trong tủ lạnh hạt cơm mềm, dẻo và màu trắng.

Sau khi dùng các phương pháp phân tích, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kết luận mẫu gạo lấy từ nhà ông T. không chứa các hóa chất lạ, không có hiện tượng đổi màu sau khi được nấu chín. Trung tâm cũng cho biết, do mẫu gạo gửi phân tích quá ít nên không đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh và hóa lý khác.

Khi ông T. mang cơm này mang ra phơi ngoài nắng hơn 1 giờ thì cơm chuyển sang màu tím đen. Trung tâm kiểm định cũng nấu cơm để trong phòng và tủ lạnh nhưng cơm vẫn không chuyển màu, hạt cơm dẻo, mềm.

Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 kết luận mẫu gạo lấy từ nhà ông T không chứa các hóa chất lạ, không có hiện tượng đổi màu sau khi được nấu chín.

Trước đó, trao đổi với báo chí sáng 1/4, bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông TP.HCM cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân và các cơ quan báo chí, Sở đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ An toàn thực phẩm TP.HCM và các đơn vị liên quan lấy mẫu cơm đi kiểm định. Kết quả chính thức sẽ có sau 2 - 3 ngày.

Theo nguồn tin từ đơn vị trực tiếp kiểm định mẫu cơm nói trên, nguyên nhân ban đầu gây ra hiện tượng cơm đổi màu từ trắng sang đỏ được xác định là do cơm bị trộn lẫn với nước mồng tơi.

Cũng theo nguồn tin, cơ quan chức năng nhận định, có thể đã có người cố tình cho nước mồng tơi vào cơm đã chín. Khi có kết quả chính thức, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, trấn an dư luận.

Như đã thông tin, như thông tin trên báo Công an TP.HCM, ông T cho biết khoảng giữa tháng 3/2016, ông ra chợ Bình Chánh mua 5kg gạo trắng (18.000 đồng/kg) và được người bán giới thiệu đây là loại gạo mới, ngon. Sau đó gia đình ông T nấu ăn và thừa nhận cơm bùi, thơm ngon hơn những loại gạo khác nhưng nuốt vào có cảm giác ngòn ngọt ở lưỡi.

“Ngày 24/3, nhà tôi nấu cơm bằng loại gạo này nhưng ăn không hết nên để lại sang ngày. Đến trưa hôm sau, khi mở nồi ra định ăn tiếp thì tôi thất kinh thấy cơm trắng chuyển màu hồng hồng, vội đưa sang nhà hàng xóm cho họ xem”, ông T kể lại.

Nghe hàng xóm bàn tán, nghi gạo Trung Quốc tẩm hóa chất nên cả gia đình ông T không dám ăn và để lại xem thử thế nào. Qua thêm 24 tiếng đồng hồ nữa thì số cơm nói trên đổi màu đỏ rực, mùi thum thủm, chua chua…

Báo Công an TP.HCM thông tin thêm, khi phát hiện ra sự việc này, ông T. và gia đình đã ăn hết gần 4 kg, chỉ còn lại hơn 1 kg gạo chưa nấu. Nhiều hàng xóm thấy sự việc quá kỳ lạ không tin nên lấy một ít gạo về nấu thử để qua hôm sau cũng thấy hiện tượng chuyển sang màu đỏ tương tự khiến mọi người hết sức hoang mang.

Ông T. tỏ ra lo lắng “cơm nấu từ loại gạo này không đổi màu liền mà phải để hơn một ngày sau mới đổi sang màu đỏ nên nhiều người mua về dùng mà không hề hay biết. Điều lo lắng hơn là không biết loại màu trên có gây độc hại hay không?”.

Trao đổi với PV, chủ đại lý gạo khá lớn trên đường Trịnh Như Khuê (ngay chợ Bình Chánh), xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM - là nơi bán gạo cho ông Lê Văn T, ngụ ấp 2, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh và xảy ra hiện tượng cơm trắng đổi màu đỏ rực đang gây xôn xao dư luận - tỏ ra rất bất ngờ.

Bà H. cho biết, có nghe thông tin vụ việc người dân mua gạo về nấu cơm rồi xảy ra hiện tượng lạ cơm trắng biến màu đỏ. Nhưng đến bây giờ bà mới biết người mua gạo là ông Tvà số gạo đó được mua tại đại lý của mình.

“Qua kiểm tra mẫu gạo (PV lấy từ nhà ông T đưa cho bà H. đối chiếu) cũng như kiểm tra lại, tôi thừa nhận khoảng giữa tháng 3/2016 có bán cho một người đàn ông ở xã Tân Quý Tây 5kg gạo Đài Loan đúng như mẫu gạo này nhưng giá chỉ 14.000 đồng/kg”, bà H. cho biết.

Theo bà H. thì gia đình bà mở đại lý gạo bán ở chợ Bình Chánh hơn 10 năm qua và chưa từng mất uy tín với khách hàng. Nguồn hàng đại lý của bà được một công ty kinh doanh gạo ở Tiền Giang cung ứng.

“Loại gạo Đài Loan được công ty chào hàng khoảng giữa tháng 3 và được tôi nấu ăn thử trước thấy ngon, giá hợp lý nên nhập về để bán. Tôi cũng giới thiệu cho khách loại gạo ngon đó và gia đình hàng ngày đều nấu loại gạo này để ăn. Đã có nhiều khách mua nhưng chưa nghe ai phản ánh biểu hiện lạ nào sau thời gian sử dụng”, bà H. phân trần.

Theo bà H. thì hơn 10 năm nay vựa gạo của bà là địa chỉ uy tín đối với người dân địa phương.

Trước sự việc trên, bà H. mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc nhằm làm rõ nguyên nhân vì bà cũng cảm thấy không an tâm khi khách hàng của mình mua gạo, nấu cơm xảy ra hiện tượng lạ, gây hoang mang dư luận. Hơn nữa, gia đình bà cũng đang dùng loại gạo này nên rất lo lắng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn