Ghép đầu thành công cho khỉ, tiến gần tới ghép đầu người?

Bác sỹ Sergio Canavero trong một lần biểu diễn cách ông sẽ làm phẫu thuật đầu người với báo giới - Ảnh chụp màn hình

Việt Nam có thể thực hiện ca ghép đầu người?

Người đầu tiên tình nguyện được cấy ghép đầu

Sẽ ghép đầu người trong năm 2016?

Ghép đầu - Quái dị hay hy vọng mới?

Theo New Scientist, năm ngoái nhà phẫu thuật thần kinh người Ý từng gây sốc dư luận toàn cầu khi tiết lộ kế hoạch phẫu thuật ghép đầu cho một bệnh nhân bị liệt người Nga.

Khi đó ông nói trong vòng hai năm tiếp theo, các quy trình thực hiện ca phẫu thuật sẽ hoàn thành và ý định của ông là sử dụng phương pháp này như một giải pháp điều trị cho các trường hợp bị liệt toàn thân.

Thành công trên
 chuột và khỉ

Vừa qua, với sự hợp tác cùng các nhà khoa học tại Trung Quốc và Hàn Quốc, bác sỹ Canavero tuyên bố đã tiến gần hơn tới mục tiêu với hàng loạt thử nghiệm thành công trên động vật và thi thể người chết.

“Tôi muốn nói chúng tôi đã có rất nhiều cơ sở dữ liệu để tiếp tục công việc. Điều quan trọng là mọi người sẽ thôi nghĩ rằng việc này là không thể. Điều này là hoàn toàn có thể và chúng tôi đang tiến gần tới nó”, bác sỹ Canavero tuyên bố chắc nịch.

Trang New Scientist cho biết họ đã được xem những hình ảnh và video cho thấy một vài công đoạn phẫu thuật mà bác sỹ Canavero mô tả. Trong đó có đoạn video quay những chú chuột đã có thể hít ngửi và di chuyển chân vào thời điểm nhiều tuần sau khi phần tủy sống ở cổ bị tổn thương nặng và đã được ghép nối lại.

Bác sỹ C-Yoon Kim thuộc Đại học y Konkuk của Hàn Quốc là người thực hiện ca phẫu thuật với chuột cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã thành công trong việc khôi phục khả năng vận động của các chi trước cũng như chi sau của chúng. Ông nói: “Vì thế tôi đoán rằng có thể làm được việc nối lại phần tủy sống sau khi bị đứt rời hoàn toàn”.

Cùng lúc, nhóm nghiên cứu của bác sỹ Hiểu Bình Nhân của Đại học y Harbin, Trung Quốc cũng đã ghép đầu cho một chú khỉ. Họ đã kết nối mạch máu giữa phần đầu và phần cơ thể mới nhưng không cần phải nhọc công kết nối tủy sống.

Theo ông Canavero, thí nghiệm này thực tế đã lặp lại công việc của bác sỹ Robert White ở Mỹ năm 1970, cho thấy nếu phần đầu được làm lạnh ở nhiệt độ -150C, một con khỉ có thể sống được sau phẫu thuật mà không hề bị tổn thương não.

Với cuộc phẫu thuật của bác sỹ Hiểu Bình Nhân, ông Canavero phân tích: “Con khỉ đã hoàn toàn vượt qua phẫu thuật mà không bị tổn thương hệ thần kinh hay bất cứ tổn thương nào tương tự”. Ông cũng nói thêm con khỉ này chỉ được cho sống thêm 20 giờ sau phẫu thuật vì những lý do đạo đức.

Bác sỹ Hiểu Bình Nhân cho biết nhóm của ông đã làm nghiên cứu thử nghiệm kiểm tra một số ý tưởng về việc phòng ngừa những tổn thương. Công việc này được Chính phủ Trung Quốc đài thọ kinh phí. Nhóm cũng đã tiến hành các thử nghiệm trên thi thể người để chuẩn bị cho việc phẫu thuật sau này.

Đau đáu vấn đề đạo đức

Ông Michael Sarr - biên tập viên tạp chí Surgery đồng thời là bác sỹ phẫu thuật tại Bệnh viện Mayo ở Rochester, bang Minnesota (Mỹ) - nói: “Nếu ca ghép đầu thành công, điều này sẽ mở ra một khoa học hoàn toàn mới về việc tái tạo tủy sống sau chấn thương”.

Chuyên gia này cho rằng mặc dù rất quan tâm tới kỹ thuật tái tạo tủy sống sau thương tổn nhưng về phía tạp chí của ông thì không ủng hộ phẫu thuật ghép đầu vì nhiều vấn đề liên quan tới đạo đức và còn nhiều lo ngại về những hậu quả tiêu cực sau phẫu thuật.

Nội dung mô tả công trình nghiên cứu kỹ thuật ghép đầu của bác sỹ Canavero trên bảy trang giấy sẽ được công bố trên các tạp chí Surgery vàCNS Neuroscience & Therapeutics trong vài tháng tới.

Việc bác sỹ Canavero công bố sớm những kết quả thành công của nghiên cứu đạt được trên khỉ và chuột (trên tạp chí New Scientist số ra ngày 23/1/2016) trước khi báo cáo của ông đăng tải chính thức trên các tạp chí khoa học đã khiến dư luận trong giới y văn thế giới không hài lòng. Nhiều người thậm chí còn nói đó là “thủ đoạn” làm khoa học thông qua quảng bá.

Chuyên gia đạo đức sinh học Arthur Caplan của Trường y khoa Đại học New York tuyên bố ông sẽ chỉ quan tâm tới công trình này sau khi nó đã được in trên tạp chí y khoa chính thức.

Chuyên gia thần kinh Thomas Cocharane của Trung tâm đạo đức y khoa Trường y khoa Harvard cũng đồng tình cho rằng việc bác sỹ Canavero công bố sớm các kết quả nghiên cứu là một sự không giống thông lệ xưa nay.

Theo ông Caplan, bác sỹ Canavero nên nghiên cứu sự tái phát triển của tế bào thần kinh với chất PEG trong cơ thể người bị tổn thương tủy sống trước khi tiến hành ghép đầu. Ông cho rằng có hàng trăm ngàn người có thể hưởng lợi từ việc có thể tái tạo sự phát triển của tủy sống.

Cần thêm kinh phí

Bác sỹ Canavero vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm nguồn kinh phí tài trợ cho ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên của bệnh nhân 31 tuổi người Nga, anh Valery Spriridonov, một người bị bệnh teo cơ di truyền.

Bác sỹ người Ý cho biết ông có ý định gửi đề nghị hỗ trợ tới ông chủ Tập đoàn Facebook Mark Zuckerberg.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin