"Chủ nghĩa dân tộc vaccine" đang khiến nhiều quốc gia khó tiếp cận với nguồn vaccine Covid-19 (ảnh minh họa)
COVID-19 và những triệu chứng "kỳ lạ"
Thủ tướng: Có vaccine vẫn phải thận trọng, đảm bảo phát triển kinh tế
Tự làm nước sốt cà chua dễ dàng bảo quản trong tủ lạnh
Bí quyết chăm sóc da khi bước sang tuổi 30
Quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Tuyên bố Doha
Trong hai thập kỷ vừa qua (2000-2020) Việt Nam đã ký kết 2 hiệp định quan trọng để tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu: Hiệp định các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình đàm phán các hiệp định trên đây đã diễn ra không hề suôn sẻ khi các bên tham gia đàm phán phải nỗ lực trung hoà những lợi ích đối lập giữa các quốc gia phát triển và những quốc gia đang phát triển. Điều 6 của Hiệp định TRIPS và Chương 18 của Hiệp định TPP về quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các vấn đề về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ… đã gây ra những tranh luận gay gắt giữa nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và nhóm các nền kinh tế đang phát triển tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam.
Đã từ lâu, trên cơ sở phù hợp với khả năng kinh tế và tiềm lực phát triển khoa học công nghệ của mình, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, luôn tìm kiếm một chính sách phù hợp nhằm cân bằng giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tiếp cận thuốc của cộng đồng. Điều làm cho các quốc gia đang phát triển quan ngại là việc bảo hộ sở hữu trí tuệ trên lĩnh vực dược phẩm (bao gồm hóa dược, thuốc sinh học và vaccine) một cách quá mức, đặc biệt là việc các Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia áp dụng chiến lược “evergreening” (kéo dài thời hạn bảo hộ patent) có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển.
Chính vì vậy, Tuyên bố Doha về “Hiệp định TRIPs và sức khỏe cộng đồng” ngày 14/11/2001 (Tuyên bố số 254/WTO/VB) được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Doha đã nhấn mạnh: “Cần phải thực thi và hiểu Hiệp định TRIPs theo hướng hỗ trợ sức khoẻ cộng đồng bằng cách thúc đẩy khả năng tiếp cận các thuốc hiện có và sản xuất thuốc mới” và “Chúng tôi đồng ý rằng, Hiệp định TRIPs không và không nên ngăn chặn các nước thành viên tiến hành các biện pháp bảo vệ sức khoẻ. Theo đó, trong khi lặp lại cam kết của chúng ta theo Hiệp định TRIPs, chúng tôi khẳng định rằng Hiệp định có thể và nên được hiểu cũng như thực thi theo cách hỗ trợ quyền bảo vệ sức khoẻ của các nước thành viên WTO, cụ thể, thúc đẩy tiếp cận thuốc cho tất cả mọi người”.
Tuyên bố Doha đồng thời ghi nhận tầm quan trọng, sự cần thiết và phù hợp đạo đức của việc áp dụng linh hoạt các quy định của TRIPs nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuyên bố Doha cũng cho rằng: “Mỗi quốc gia thành viên có quyền xác định những vấn đề gì gây nên tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các tình trạng cực kỳ khẩn cấp khác, các tình trạng này được hiểu là các thời kỳ khó khăn về sức khỏe cộng đồng, bao gồm cả các khó khăn liên quan đến HIV/AIDS, bệnh lao, sốt rét và các bệnh dịch khác, có thể được hiểu là các tình trạng khẩn cấp hoặc cực kỳ khẩn cấp khác”.
Có thể nói đại dịch COVID-19 bùng nổ trên thế giới từ tháng 1/2020 đến nay là một trong những ví dụ điển hình và sinh động nhất trong vài thập kỷ gần đây về “tình trạng cực kỳ khẩn cấp sức khỏe cộng đồng” và về mâu thuẫn giữa bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của dược phẩm/vaccine - những “chế phẩm cứu mạng” - với khủng hoảng y tế cộng đồng trên quy mô toàn cầu với hàng trăm triệu người mắc bệnh và hàng triệu người tử vong.
Từ văn bản hiệp định... đến thực thi
Mặc dù trên văn bản các Hiệp định, tưởng chừng các mâu thuẫn trên đây đã có khuôn khổ pháp luật quốc tế để giải quyết, nhưng trên thực tế khi virus SARS-CoV-2 lan tràn từ quốc gia đầu tiên ra toàn cầu để gây ra một đại dịch chỉ trong một thời gian không quá 6 tháng, việc thực thi trên thực tế các điều khoản Hiệp định còn là một vấn đề bỏ ngỏ.
Chủ nghĩa dân tộc trong chuỗi sản xuất và cung ứng vaccine đã khiến đại dịch trầm trọng thêm
Lần đầu tiên vào tháng 8/2020, đã xuất hiện một khái niệm chưa từng có trước đây trong ngôn ngữ của các nhà chính trị: Chủ nghĩa dân tộc vaccine. Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 18/8/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra nhận định rằng: “Nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhiều nước đang đặt lợi ích của mình lên trên những nước khác và điều này đang khiến cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do dịch bệnh COVID-19 gây ra trở nên tồi tệ hơn”. Ông gọi hiện tượng này là "chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Và điều này hoàn toàn mâu thuẫn với Điều 4 Tuyên bố Doha: “Chúng tôi khẳng định Hiệp định này có thể và cần phải được giải thích và thực hiện theo hướng khuyến khích quyền của các thành viên WTO trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và đặc biệt là, trong việc giúp đỡ tất cả mọi người tiếp cận các loại thuốc mới”. Chủ nghĩa dân tộc vaccine, theo TGĐ Tổ chức Y tế Thế giới, có thể biểu hiện dưới các hình thức khác nhau như: Các nhà sản xuất ở vài quốc gia chủ chốt bị đặt dưới lệnh phong tỏa, vận tải hàng không, con đường để chuyển vật tư đi khắp thế giới dần sụp đổ, một số quốc gia quyết định hạn chế xuất khẩu, trưng dụng nguồn vật tư quan trọng vì mục đích quốc gia. Và hậu quả là chủ nghĩa dân tộc trong chuỗi sản xuất và cung ứng vaccine đã khiến đại dịch trầm trọng thêm, là một trong những lý do dẫn tới thất bại toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên thủ quốc gia ở một số nước có năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 đã tuyên bố cấm xuất khẩu vaccine và dược phẩm cho tới khi toàn dân trong nước đã được tiêm chủng và điều trị. Lo ngại sâu sắc về “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, có thể coi là một hình thức biểu hiện mới của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong thế kỷ XXI, nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các định chế quốc tế đồng tình với nhận định của Tổng Giám đốc Y tế thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum, 2021), Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã lên án “chủ nghĩa dân tộc vaccine”, cáo buộc các nước giàu tranh giành mua lượng lớn vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 và dự trữ vaccine, gây thiệt hại cho nhiều nước khác. Ông cho biết các nước có thu nhập trung bình và thấp đang bị các nước giàu hơn gạt ra ngoài lề khi mua "gấp 4 lần lượng vaccine mà người dân của họ cần”. Ông bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về "chủ nghĩa dân tộc vaccine”, đồng thời kêu gọi các nước giàu "đưa ra thị trường lượng vaccine dư thừa đã đặt hàng và đang dự trữ". Tuyên bố của Tổng thống Nam Phi cũng phản ánh các lo ngại ngày càng tăng về việc các thỏa thuận song phương giữa chính phủ các nước giàu và các Tập đoàn sản xuất vaccine có thể đẩy giá lên cao và hạn chế nguồn cung tại một số khu vực.
Các nước đang phát triển không hy vọng nhiều vào Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu
Tình hình trên đây đã làm cho các lãnh tụ tôn giáo cũng phải lên tiếng. Ngày 19/8/2020 Giáo hoàng Francis khi đề cập tới vấn đề nghiên cứu và sản xuất cũng như quyền tiếp cận vaccine COVID-19 đã cho rằng các quốc gia giàu có không nên tích trữ vaccine và nên hỗ trợ những người khó khăn nhất vì "lợi ích chung."
Trước tình hình này, người đứng đấu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra sáng kiến “Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu” (COVAX) đồng thời kêu gọi các nước có năng lực sản xuất vaccine, những nước đã đặt mua quá nhiều vaccine hãy giao phần dư thừa cho cơ quan phụ trách chia sẻ vaccine COVAX do WHO và Liên minh Vaccine toàn cầu (GAVI) đứng đầu. Tuy vậy, các nước nghèo cũng không hy vọng nhiều vào sáng kiến này. Theo Bộ trưởng Tài chính Yemen Mohammed al-Jadaan, Yemen và nhiều nước châu Phi không thể có đủ vaccine thông qua Cơ chế COVAX.
Trước thực trạng này, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã phải lên tiếng: “Có một yêu cầu lớn - đó là thực sự đảm bảo “tình đoàn kết vaccine”, thực sự chấm dứt “chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Ông Guterres cũng cảnh báo: “Rõ ràng là nếu tiếp tục đi theo con đường hiện nay, chúng ta sẽ không thể tiêm vaccine cho tất cả mọi người với tốc độ cần thiết”.
Và lần đầu tiên, nhà lãnh đạo định chế quốc tế lớn nhất thế giới – Liên Hợp Quốc – đưa ra một quan điểm mới: “Bắt đầu từ hôm nay, vaccine phải được xem như một thành tựu của cộng đồng, dành cho tất cả mọi người, bởi vì virus không có biên giới. Chúng ta phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine và phương tiện chẩn đoán. Chúng ta có một cơ chế như vậy - đây là tăng tốc để đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine". Vấn đề là các Tập đoàn dược phẩm đa quốc gia có chấp nhận patent vaccine COVID-19 của họ là một “thành tựu của cộng đồng” để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng hay không?
Nano Covax vaccine của Việt Nam đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II
Hãy tự cứu mình trước khi "trời" cứu
Cùng với nền công nghiệp dược phẩm nội địa, Việt Nam là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á có nền sản xuất vaccine phát triển sớm nhất. Sau năm 1954, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã sản xuất được nhiều loại vaccine uống. Đặc biệt, sau năm 1975, hệ thống các Viện và các Công ty sản xuất vaccine đã nghiên cứu, sản xuất nhiều vaccine cung cấp cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và xuất khẩu. Công nghệ sản xuất vaccine trong những năm gần đây đã đạt đến trình độ quốc tế. Khoảng 10 năm gần đây một số công ty tư nhân cũng bắt đầu đầu tư nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Hiện nay đang có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19. Vaccine Nano Covax của NANOGEN đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II. Vaccine COVID-19 của VABIOTECH chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. Các nhà nghiên cứu sản xuất khác như IVAC và POLYVAC cũng đang đẩy mạnh chương trình nghiên cứu - sản xuất vaccine phòng SARS-CoV-2.
Cùng với việc huy động cả hệ thống chính trị tham gia công cuộc phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam đã đạt được những thành công được quốc tế đánh giá cao. Hy vọng trong năm 2021 chúng ta sẽ có vaccine COVID-19 “Made in Vietnam” góp phần quan trọng đẩy lùi dịch SARS-CoV-2 ở Việt Nam.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn