Thương mại điện tử và bài toán trách nhiệm khi bày bán các sản phẩm vướng sai phạm

Trong thời đại 4.0, việc mua bán, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử là rất phổ biến.

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

ĐBQH: Thuốc bán online phải là thuốc được cấp phép lưu hành

Hơn 400 sản phẩm TPBVSK được cấp giấy xác nhận quảng cáo trong Quý I/2025

Inforgraphic: Cẩn trọng với quảng cáo thổi phổng công dụng thực phẩm

Trên lý thuyết, các sàn và trang TMĐT đều ban hành những bộ quy tắc nghiêm ngặt về việc cấm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, quảng cáo sai sự thật. Người bán buộc phải khai báo rõ giấy tờ liên quan đến công bố sản phẩm, nội dung quảng cáo, và chịu trách nhiệm pháp lý với mọi thông tin đăng tải. Tuy nhiên, dường như những bộ quy định này thường được xây dựng để “đối phó” chứ không được thực hiện nghiêm túc trong thực tế.

Như đã đề cập, việc các sản phẩm vi phạm vẫn công khai bày bán trên sàn cho thấy quy trình kiểm duyệt bị buông lỏng một cách đáng lo ngại. Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Sức khoẻ+, tại thời điểm hiện tại - rất lâu sau khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo, nhiều sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như An Tâm Đường, Insuna, Thập Vị Xoan, Yoho Mekabu Fucoidan… vẫn còn được bày bán công khai. Các sản phẩm này được cho là đã mắc vi phạm về quảng cáo tại một số đường link.

Cụ thể, các sai phạm chủ yếu tập trung vào việc không gọi đầy đủ tên sản phẩm, nhóm sản phẩm, quảng cáo TPBVSK, TPBS có công dụng như thuốc điều trị, sử dụng ngôn từ gây hiểu nhầm nghiêm trọng về công dụng như “trị đái tháo đường tận gốc”, “tăng miễn dịch diệt tế bào ung thư”, “chấm dứt viêm xoang mạn tính” hay sử dụng hình ảnh các chuyên gia, bác sĩ để “nâng tầm” sản phẩm của mình… Điều này vượt quá giới hạn cho phép đối với thực phẩm chức năng và tiềm ẩn nguy cơ khiến người tiêu dùng bỏ qua điều trị y tế chính thống.

Một sản phẩm sai phạm khác được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo vào ngày 28/2/2025 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm vẫn được trưng bày trên Lazada.

Một sản phẩm sai phạm khác được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo vào ngày 28/2/2025 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, sản phẩm vẫn được trưng bày trên Lazada.

Vấn đề nằm ở chỗ, dù đã bị cảnh báo, các sản phẩm này vẫn tồn tại công khai trên nhiều gian hàng khác nhau. Trong khi đó, cách xử lý phổ biến là chờ cơ quan chức năng vào cuộc hoặc báo chí phản ánh, mới tiến hành gỡ bỏ, thay vì chủ động rà soát và ngăn chặn từ đầu. Hơn nữa, sau khi gỡ, cùng một sản phẩm lại có thể tái xuất hiện dưới tên khác hoặc do gian hàng mới đăng lại, cho thấy rõ lỗ hổng trong hệ thống kiểm duyệt.

Cần đặc biệt lưu ý rằng, các sàn TMĐT không phải những nền tảng tư nhân hoàn toàn “ngoài luồng pháp lý”. Theo quy định hiện hành, việc thành lập và vận hành một trang hoặc sàn TMĐT phải được Bộ Công thương cấp phép và quản lý (bằng logo "Đã thông báo với Bộ Công thương" được gắn ở cuối trang). Như vậy, trách nhiệm của các sàn không chỉ là nội bộ, mà còn mang tính pháp lý và xã hội. Khi đã được cấp phép hoạt động, việc để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài, lặp đi lặp lại đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe thì không chỉ là lỗi vận hành mà còn vi phạm nhiều bộ luật liên quan tới sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng.

Trên thực tế, để được cấp phép hoạt động, các sàn thương mại điện tử phải xây dựng và cam kết thực hiện nhiều nguyên tắc quản lý rõ ràng, bao gồm cơ chế kiểm duyệt nội dung, quy định về hàng hóa bị cấm hoặc hạn chế kinh doanh, đặc biệt là với nhóm sản phẩm thực phẩm chức năng. Các quy định này không chỉ thể hiện trên giấy tờ nội bộ mà còn nằm trong hệ thống pháp lý quản lý TMĐT do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát.

Tuy nhiên, các sàn đã thực hiện những nguyên tắc đó như thế nào, khi mà trên chính nền tảng được cấp phép, nhiều sản phẩm vi phạm vẫn tồn tại công khai dù đã được cảnh báo từ cơ quan chức năng? Điều này cho thấy, quy trình kiểm duyệt của sàn có dấu hiệu hình thức, hoặc không được cập nhật theo dữ liệu cảnh báo từ phía cơ quan quản lý chuyên ngành.

Quy chế bán hàng dành cho nhà bán hàng trên Lazada - Ảnh chụp màn hình.

Quy chế bán hàng dành cho nhà bán hàng trên Lazada - Ảnh chụp màn hình.

Danh sách các sản phẩm bị cấm/hạn chế mua bán trên Shoppe - Ảnh chụp màn hình.

Danh sách các sản phẩm bị cấm/hạn chế mua bán trên Shoppe - Ảnh chụp màn hình.

Ở một góc độ khác, cần nhìn nhận lại trách nhiệm giám sát của chính các cơ quan cấp phép. Khi một cơ quan chức năng như Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo chính thức thì việc phối hợp liên ngành để đảm bảo cảnh báo đó được thực thi trên thực tế như việc sản phẩm bị gỡ khỏi sàn, bị kiểm tra lại nội dung là điều bắt buộc. Không thể tiếp tục tình trạng dù đã được cảnh báo từ rất lâu mà sản phẩm vẫn được bày bán công khai, sau đó không có hậu kiểm cũng như không có phản hồi từ phía đơn vị cấp phép sàn. Trách nhiệm liên ngành trong giám sát, theo dõi, và thực thi các cảnh báo vẫn đang là điểm yếu trong chuỗi kiểm soát.

Chính sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan quản lý, cùng với việc các sàn không chủ động cập nhật danh sách sản phẩm bị cảnh báo hoặc xử lý triệt để các gian hàng vi phạm, đã dẫn đến tình trạng cảnh báo chỉ mang tính thông báo, không có giá trị thực tế với người tiêu dùng. Khi đó, quyền lợi người mua tiếp tục bị đặt vào thế rủi ro, và thị trường TMĐT – dù có giấy phép – vẫn hoạt động với nhiều sản phẩm không đảm bảo.

Cuối cùng, đừng để logo “ĐÃ THÔNG BÁO VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG” trở thành chiêu bài để một số thương nhân lợi dụng niềm tin người tiêu dùng. Khi được cấp phép nhưng không kiểm soát hiệu quả, các sàn TMĐT không chỉ tiếp tay cho hành vi sai phạm mà còn làm giảm đi sự uy tín của chính mình. Đã đến lúc cần siết lại trách nhiệm không chỉ với người bán, mà với cả nền tảng và cơ quan quản lý.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sản phẩm