Kinh hãi gà nhuộm hóa chất quá độc

Người tiêu dùng không nên mua những con gà đã làm sẵn có màu da vàng bất thường

Nhuộm gia cầm bằng... nhựa thông, hoá chất

Kinh hoàng 'chiêu' dùng acid tẩy rửa để sản xuất đường

Gia vị Sommak có chứa chất nhuộm màu và chất gây ung thư

Cách phát hiện thực phẩm nhuộm màu độc

Thông tin một hộ kinh doanh ở Long Khánh (Đồng Nai) dùng thuốc nhuộm thường dùng trong ngành dệt may để nhuộm gà làm nhiều người bức xúc.

Trước đó, thông tin trộn chất vàng O vào thức ăn cho gà cũng gây phẫn nộ cho nhiều người.

Việc tiếp xúc với những hóa chất này khi nhuộm gà có thể gây dị ứng da, viêm da, nặng hơn là lở loét, ngứa ngáy

Có thể gây ung thư

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch - giảng viên Đại học Nông Nghiệp Hà Nội, cho biết hóa chất nhuộm vải không thể nào sử dụng trong việc nhuộm thực phẩm bởi những tác hại khôn lường.

PGS.TS Lê Văn Thọ - Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết những chất tạo màu vàng thường dùng trong công nghiệp nhuộm sợi là những chất thuộc nhóm VAT yellow 1, 2, 3, 4 hoặc chất Auramine O.

Những chất này được khuyến cáo chỉ dùng trong công nghiệp, tuyệt đối không dùng trong thực phẩm hoặc làm chất phụ gia trộn vào thức ăn cho người và động vật.

Mặt khác, những chất này đã được Bộ NN&PTNT bổ sung vào danh sách những chất cấm sử dụng trong chăn nuôi và thực phẩm vì độc hại và có nguy cơ gây ung thư cho người ăn vào.

Theo PGS.TS Lê Văn Thọ, một nghiên cứu mới đây trên động vật cho thấy chất Auramine O gây ung thư ở chuột cống và chuột nhắt.

Nó cũng gây hư hại ADN trong tế bào gan, thận và tủy xương khi thí nghiệm trên thú sống, kể cả ở trên người khi thí nghiệm trong ống nghiệm.

“Như vậy nếu những thuốc nhuộm công nghiệp được trộn vào thức ăn cho gà hoặc trộn vào thức ăn cho cá hay pha nước nhúng cho gà sau khi đã giết mổ để tạo màu vàng hấp dẫn, đều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn vào”, PGS.TS Lê Văn Thọ cảnh báo.

Cụ thể hơn. PGS.TS Phạm Ngọc Thạch cho biết việc tích lũy lâu dài những hóa chất này có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây trụy tim, suy hô hấp và nguy hiểm hơn có thể gây ung thư.

Thạc sỹ, Bác sỹ Trần Ngọc Lưu Phương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhấn mạnh thêm những người sử dụng hóa chất nhuộm vải để nhuộm gà cũng có thể bị ảnh hưởng trực tiếp.

“Việc tiếp xúc với những hóa chất này khi nhuộm gà có thể gây dị ứng da, viêm da, nặng hơn là lở loét, ngứa ngáy và có thể lên cơn hen suyễn, khó thở nếu hít phải” - BS. Trần Ngọc Lưu Phương cho biết thêm.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Ngọc Thạch cho rằng người dân không nên có tâm lý phải mua bằng được những con gà da mỡ vàng, óng ánh thì mới là gà ngon.

Phạt tiền thôi có đủ?

Nhiều bạn đọc lên tiếng về hình thức xử phạt đối với những người kinh doanh thực phẩm bẩn. Nếu chỉ phạt tiền thôi thì liệu có ngăn chặn được hành vi trộn hóa chất không nằm trong danh mục cho phép vào thức ăn hay nhuộm gà bằng hóa chất nhuộm vải hay không.

Nhiều người cho rằng phạt tiền bao nhiêu thì những người kinh doanh này vẫn có lời.

“Họ sẽ tiếp tục kinh doanh vô lương tâm và không đạo đức để kiếm lợi nhuận bù vào khoản phạt tiền. Người tiêu dùng sẽ chết dần, chết mòn vì mức phạt không đủ độ răn đe kẻ kinh doanh vô lương tri”, bạn đọc bức xúc.

Có ý kiến cho rằng đây là hành vi giết người và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới đủ sức ngăn chặn những người vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng.

“Việt Nam xử phạt quá nhẹ về vấn đề an toàn thực phẩm. Không nên chỉ xử phạt hành chính mà cần xử phạt hình sự, bởi đó là hành vi không khác nào tội phạm nguy hiểm cho xã hội. Xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe những hình thức kinh doanh bê bối như thế này”, bạn đọc Thắng nói.

Có thể bị phạt tù

Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết Bộ luật hình sự 2015 (BLHS) có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 có những quy định cụ thể hơn về tội vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách phân loại các nhóm hành vi tại điều 317.

Theo đó, người nào sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm, gây tổn hại cho sức khỏe… tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả có thể bị phạt từ 200 - 500 triệu đồng hoặc phạt từ 3 - 7 năm, cấm hành nghề 1 - 5 năm. 

Làm sao phân biệt gà bình thường với gà nhuộm màu?

Với nhóm gà lông trắng sau khi giết mổ sẽ có màu da bình thường là màu trắng hồng.

Riêng với gà thả vườn hoặc gà ta thì màu da có màu vàng chanh rất nhạt.

Vì vậy người tiêu dùng không nên mua những con gà đã làm sẵn có màu da vàng bất thường, đối với cá trê cũng vậy.

Theo PGS.TS Lê Văn Thọ, chỉ có sự tẩy chay của người tiêu dùng (tức không có nhu cầu) thì người sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc người giết mổ không pha màu để nhúng gà mới không cố tình tạo màu bằng những chất không được phép sử dụng.

“Tôi mong những người chăn nuôi hoặc người buôn bán hãy vì lương tâm nghề nghiệp. Đừng nghĩ rằng mình không ăn mà chỉ làm ra cho người khác ăn vì biết đâu con cháu của mình khi đến các thành phố khác để học tập hoặc làm công nhân rất có thể vô tình ăn phải những sản phẩm độc hại do chính mình đã sản xuất ra?”, PGS.TS Lê Văn Thọ nhắn nhủ.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin