Du khách nước ngoài đăng ký mua vé tàu Tết tại ga Sài Gòn chiều 19/12 - Ảnh: Hữu Khoa
Vé tàu điện tử: Giữ chỗ chỉ 24 giờ, khóa nhắn tin hủy đặt chỗ
Người dân vẫn còn cơ hội mua vé tàu Tết
Mua vé tàu phải xuất trình CMND: Quá phiền phức
Hơn 17.000 vé tàu Tết chưa có người nhận
Năm nay, Tổng Công ty Đường sắt VN đã đưa vào sử dụng hệ thống vé tàu điện tử, người dân có thể ở nhà đặt vé, thanh toán tiền trên mạng. Tuy nhiên, một số người dân có nhu cầu đổi, trả vé phải cầm theo thẻ lên tàu và CMND gốc đến ga gần nhất làm thủ tục.
Giữa tháng 11/2015, anh N.S. đặt hai vé tàu tuyến Sài Gòn - Tháp Chàm (Ninh Thuận) cho người thân với ngày đi là 29/11. Nhờ mua vé tàu qua mạng, thanh toán online nên anh tiết kiệm được khá nhiều thời gian so với việc ra ga mua vé như trước đây.
Tuy nhiên, do có việc đột xuất nên anh S. phải trả lại vé tàu. Khi gọi điện lên tổng đài đường sắt nhờ tư vấn cách trả vé, anh S. được hướng dẫn cầm theo CMND hai người thân và CMND của anh S. ra ga Sài Gòn trả vé. Sau khi ra ga, anh S. đưa thẻ đi tàu, ký xác nhận vào biên bản và đợi ba ngày sau tiền hoàn vé mới được chuyển vào tài khoản.
Tương tự, do muốn chuyển sang đi máy bay, anh Đoàn Thanh Tuấn (Hà Nội) cho biết cũng phải ra ga Sài Gòn đổi lại vé tàu chuyến đi vào ngày 5/2/2016, nhưng cũng phải chờ nhiều ngày tiền hoàn vé mới được chuyển vào tài khoản.
“Ngành đường sắt đã cải thiện được việc bán vé nhưng vẫn chưa cải thiện hình thức trả vé nhằm giảm bớt thời gian đi lại cho người dân. Nếu là người nước ngoài hay một người ở xa ga mua vé online đi du lịch, việc phải ra tận nơi đổi trả quá bất tiện”, anh Tuấn nói.
Để kiểm tra, chúng tôi liên lạc với đường dây nóng của Tổng công ty Đường sắt VN hỏi về thủ tục đổi, trả vé thì nhân viên nữ trực tổng đài cho biết: “Mua vé trực tuyến hay tại ga đều phải ra ga mới trả được. Khi đi, hành khách nhớ mang theo vé cùng CMND của người đi tàu để làm thủ tục trả vé”. Khi hỏi về hình thức hoàn tiền mua vé, nhân viên này cho biết khách thanh toán vé tàu bằng tiền mặt sẽ được hoàn bằng tiền mặt, nếu thanh toán online sẽ được hoàn tiền trên thẻ.
“Người đi trả vé có thể là người đặt vé hoặc người đi tàu. Trong trường hợp người đi tàu hoặc người đặt vé bận việc không trực tiếp đi trả vé thì liên hệ ga trước hỏi xem có nhờ người thân cầm CMND đi trả thay được hay không”, nhân viên hướng dẫn.
Một chuyên gia công nghệ thông tin thuộc Trung tâm giải pháp vận tải hành khách (Tập đoàn FPT) khẳng định hoàn toàn có thể triển khai việc trả vé online nhưng ngành đường sắt phải thay đổi chính sách, hệ thống bán hàng. “Chỉ cần thử nghiệm một biên bản điện tử là có thể thực hiện được quy trình trả vé online. Biên bản điện tử lập ra bằng cách nào, làm cách nào để xác nhận chữ ký của hai bên thì cần có thời gian nghiên cứu”, vị chuyên gia này nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Sang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn, thừa nhận việc trả vé theo cách “thủ công” nêu trên gây rất nhiều phiền toái cho khách có nhu cầu đổi trả vé, nhưng việc trả vé qua mạng là quá trình phức tạp, phải liên hệ với các ngân hàng, bàn bạc kỹ lưỡng các giải pháp kỹ thuật mới triển khai được.
“Dự kiến trong năm 2016 chúng tôi sẽ thực hiện được phương thức đổi trả vé qua mạng nhằm nâng cao phục vụ nhu cầu cho khách hàng”, ông Sang cho biết.
Đề xuất dùng tàu hỏa chở khách
tuyến TP.HCM - Biên Hòa
UBND TP.HCM vừa đề nghị các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét kiến nghị chạy tàu phục vụ hành khách tuyến Sài Gòn - Biên Hòa (Đồng Nai) của Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn.
Theo đó, công ty này đề xuất UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về việc tổ chức chạy ba đôi tàu/ngày đêm tuyến Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại để chở khách nhằm giải quyết nhu cầu đi lại cho người dân TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai. Công ty trên cũng cho rằng đề xuất chạy tàu nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông xảy ra thời gian qua.
Các đoàn tàu sẽ dừng tại các ga như: Sài Gòn, Gò Vấp, Bình Triệu (TP.HCM), Sóng Thần, Dĩ An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Sài Gòn sẽ nghiên cứu thêm các trạm dừng tàu tại khu vực có dân cư đông hoặc gần các khu công nghiệp.
Đức Phú
Bình luận của bạn