10 phim bom xịt năm 2013

Khái niệm “bom xịt” trong Hollywood thường được gán cho những bộ phim có kinh phí sản xuất rất tốn kém (dự kiến sẽ thành bom tấn) nhưng lại thu không đủ chi, hoặc lãi quá ít so với ngân sách “khủng”. Nguyên do chủ yếu là phim không hấp dẫn như mong đợi, cộng với chiến lược quảng bá (thường chiếm một nửa tổng ngân sách làm phim) kém hiệu quả.

Dưới đây là 10 “siêu phẩm” đã khiến nhiều khán giả tiếc công ngồi xem trong năm qua:

10. The lone ranger (Kỵ sĩ cô độc): lời 10 triệu USD


Song, khoản lãi này chỉ bằng 4% tổng ngân sách mà Disney đã bỏ ra (250 triệu USD). Ra rạp vào tháng Bảy, tới nay doanh thu toàn cầu của phim mới chỉ đạt 260 triệu USD. Sự có mặt của “cướp biển” Johnny Depp cũng không vớt vát được chút hấp lực nào cho phim. Tháng 9/2013, nhà sản xuất Jerry Bruckheimer nói lời tạm biệt hãng Disney với lý do “quá khác biệt trong cách làm phim”. Dù không nói thẳng, nhưng ai cũng biết nguyên do đổ vỡ giữa họ là thất bại tài chính của The lone ranger.

9. The host (Vật chủ): lời 8 triệu USD



Kỳ vọng trở thành tác phẩm điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho lứa tuổi mới lớn ăn khách như Twilight (Chạng vạng) hay Hunger games (Đấu trường sinh tử) đã không thành hiện thực. Sản phẩm của đạo diễn Andrew Niccol và nhà văn Stephanie Meyer ngốn 40 triệu USD thực hiện nhưng chỉ thu về 48 triệu USD.

8. Jack the giant slayer (Jack và đại chiến người khổng lồ): lời 7,7 triệu USD



Câu chuyện cổ tích hiện đại đã kết thúc không có hậu khi lợi nhuận chỉ đạt 4% so với tổng chi phí 190 triệu USD. Thất bát của phim này thường được so sánh với hai bom xịt Battleship (Chiến hạm) và John Carter của năm ngoái về độ tương phản giữa chất lượng phim và quy mô quảng cáo.

7. The last stand (Chốt chặn cuối cùng): lời 3,3 triệu USD



"Chốt chặn" của người hùng cơ bắp một thời Arnold Schwarzenegger đã không bảo vệ được sản phẩm “Hollywood tiến” đầu tiên của đạo diễn xứ kim chi Kim Jee-woon. 48,3 triệu USD thu về là quá “hẻo” so với ngân sách 45 triệu USD.

6. Broken city (Thành phố tội ác): lỗ 4,3 triệu USD



Phim này có tới hai người hùng: “xạ thủ” Mark Wahlberg và “võ sĩ” Russell Crowe. Nhưng kết quả còn tệ hơn The last stand: chi 35 triệu USD - thu 30,7 triệu USD. Thành phố tội lỗi New York được cứu, nhưng bộ phim thì không. Đồng sản xuất Mark Wahlberg tự vấn: phải chi hồi đó Michael Fassenbender nhận lời đóng phim này thì mình đã không phải vất vả thế vai, biết đâu chừng cục diện sẽ khác(?!).

5. The incredible Burt Wonderstone (Ảo thuật gia tài ba): lỗ 6 triệu USD



Ngân sách 30 triệu USD, thu về 24 triệu USD, có vẻ như bộ đôi danh hài Steve Carell và Jim Carey ngày càng xuống tay trong việc chọc cười khán giả.

4. The fifth estate: lỗ 17 triệu USD



Trường hợp này cá biệt. Thất bại của The fifth estate được cho là do chính nhân vật mà phim khắc họa gây ra: Julian Assange. Người đứng đầu WikiLeaks đã cố ý phát hành phim tài liệu Mediastan nói về quá trình thu thập dữ liệu của WikiLeaks vào đúng ngày ra mắt The fifth estate như một động thái phản đối “phim tuyên truyền sai sự thật của Hollywood”. Phim chi 28 triệu USD nhưng mang về 9 triệu USD.

3. Paranoia (Nội gián): lỗ 20 triệu USD



Ban đầu, người ta đổ xô xem Paranoia chỉ để ngó mặt tài tử gạo cội Harrison Ford và Gary Oldman. Nhưng rồi, đạo diễn Robert Luketic và biên kịch Jason Dean Hall đã làm hỏng bộ phim. Hai người này còn bị “kết án” phung phí nhân tài. Kết quả: phim lỗ “sặc gạch” 20 triệu USD, tốn 35 triệu USD thực hiện nhưng chỉ đem về 15 triệu USD.

2. Old boy: lỗ 26 triệu USD



Phiên bản gốc cách đây 10 năm của đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook thành công bao nhiêu thì phiên bản làm lại của đạo diễn Spike Lee gây thất vọng bất nhiêu. Phim bị chê nhạt nhòa, nông cạn và giả tạo, chỉ thu được 4 triệu USD so với 30 triệu USD ngân sách.

1. R.I.P.D. (Đồn cảnh sát ma): lỗ 52 USD



Danh hiệu đầu bảng bom xịt được trao cho ê-kíp đạo diễn Robert Schwentke và diễn viên Jeff Bridges, Ryan Reynolds. Phim bị khán giả “ném đá” tơi tả. Bản thân tài tử gạo cội Jeff Bridges cũng thừa nhận mình không vô can trong việc làm ra một sản phẩm “thảm họa”. Phim chi hết 130 triệu USD, thu về chỉ 78 triệu USD.

Dẫu sao, đánh giá thành công của một bộ phim thông qua lợi nhuận chưa hẳn là chính xác. Một số bộ phim thất bát về doanh thu nhưng chất lượng nội dung không phải là tồi. Diana là một ví dụ. Phim này không được lòng dân Anh nhưng chiếm cảm tình khán giả Mỹ. “Giảng viên điện ảnh số 1 nước Mỹ” Dov Simen từng nói: "Đừng tin vào những số liệu của Hollywood. Nhà sản xuất nào cũng muốn kê vống khoản này cốt để câu khán giả. Cho nên, bản xếp hạng này cũng chỉ mang tính tương đối, mỗi khán giả hãy nên xem qua bộ phim trước khi đưa ra nhận định hay dở của riêng mình".

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa