Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 15 ca tử vong do dại tại 10 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa (3), Yên Bái (2), Tuyên Quang (2), Sơn La (1), Phú Thọ (1), Lào Cai (1), Hà Tĩnh (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1).
So với cùng kỳ 2013 (26 ca) số tử vong do dại giảm 11 trường hợp. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết số tử vong do dại tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, có thể gia tăng vào mùa hè do sự tăng các ổ dịch dại trên đàn chó trong thời gian này.
Ông Phu chia sẻ: "Người bị dại chủ yếu ở nông thôn và khi đã mắc dại 100% là tử vong. Ở nước ta, tiêm phòng dại chủ yếu là tiêm cho chó và mèo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm nhưng việc tiêm phòng đàn chó, mèo cũng khó vì người Việt Nam chủ yếu nuôi ba, bốn tháng thay một đàn chó nên không thể tiêm kịp thời. Bệnh nhân bị chó dại cắn không có điều kiện tiêm phòng dại. Mỗi mũi tiêm dại có giá 600 -700 nghìn đồng, ở vùng miền núi, nông thôn là số tiền lớn. Vì vậy, để ngừa dại nhất định phải tiêm phòng cho đàn chó, mèo".
Bệnh dại rất nguy hiểm và chỉ tiêm phòng mời tránh được bệnh
Khi bị chó trưởng thành cắn, cần theo dõi chặt chẽ con chó, sau 10 ngày nếu chó vẫn bình thường thì không cần thiết tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, với chó, mèo nhỏ cắn và bị cắn ở một số vị trí như cổ, đầu, mặt, đầu chi, bộ phận sinh dục thì phải tiêm phòng trong thời gian sớm nhất bởi vị trí càng gần thần kinh trung ương càng nhanh phát bệnh.
“Đáng nói là nhiều người dù hoang mang, sợ hãi sau khi bị chó dại cắn, họ vẫn không chịu đi tiêm phòng mà tìm đến các thầy lang và các cơ sở đông y điều trị. Thực tế ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào khi đã lên cơn dại mà được chữa khỏi bởi các bài thuốc đông y cũng như tây y.
Bộ Y tế khuyến cáo: Thời kỳ ủ bệnh tương ứng với sự di chuyển và nhân lên của virus. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn tùy thuộc vào khoảng cách từ vị trí vết cắn đến thần kinh trung ương xa hay gần, vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời gian ủ bệnh trung bình là 30-90 ngày (80% trường hợp), có những trường hợp nhanh dưới 20 ngày (5-10% trường hợp) hoặc chậm hơn 3 tháng (7-20% trường hợp). Thậm chí kéo dài hơn cả năm (1,8% trường hợp).
Thời gian ủ bệnh ngắn nhất được tìm thấy khi vết cắn ở đầu, mặt, tay và đặc biệt là đối với trẻ em. Thời kỳ khởi phát: Từ 2-4 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân thấy đau nhức nơi vết cắn, vết cắn bị sưng tấy. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết.
Đồng thời người bệnh còn có các triêu chứng: Bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ. Thời kỳ toàn phát: Có 3 thể lâm sàng. Những biểu hiện dễ gặp nhất là sợ nước, sợ ánh sáng, bị kích thích và không mất tri giác.
Bình luận của bạn