6 thói quen giúp cải thiện hệ tiêu hóa

Tham khảo các phương pháp giúp cải thiện khả năng tiêu hóa của nhà dinh dưỡng học người Anh Trudy Scott trên Besthealthmag:

Sửa soạn bữa ăn

Bạn nên coi công việc chuẩn bị món ăn là một điều thú vị và là niềm vui. Hãy lôi kéo cả gia đình bạn vào cuộc và thử các công thức mới. Hãy nghĩ về bữa ăn, tưởng tượng ra các món ăn và hương thơm của chúng khi nấu nướng. Khi đó cơ thể bạn sẽ chủ động trong việc tiêu hóa bằng cách bơm dịch vị và các enzyme hỗ trợ cho quá trình ăn uống.

Nhai kỹ thức ăn

Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ miệng vì vậy việc nhai kỹ thức ăn là vô cùng quan trọng. Nhai giúp nghiền thức ăn thành nhiều mảnh nhỏ và hòa trộn chúng cùng với các enzyme có trong nước bọt. Việc này khiến bạn cảm thấy ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn.

Ăn thành nhiều bữa nhỏ

Đừng ăn quá no. Thường xuyên ăn nhiều bữa phụ sẽ giúp bạn giải tỏa áp lực cho hệ tiêu hóa. Ăn ít thịt vào buổi tối sẽ giúp bạn tiêu hóa hết thức ăn trước khi đi ngủ.

Nhấm nháp đồ ăn và nhập tâm

Hãy ăn chậm rãi, cảm nhận mùi hương và hình dạng của món ăn cũng như cảm giác của bạn khi được ăn những món này. "Tôi từng có dịp được tập một bài thể dục rèn luyện nhập tâm. Tại lớp học đó chúng tôi được giáo viên dạy cách ăn một quả nho khô trong vòng năm phút. Trước tiên chúng tôi nhìn vào miếng nho khô sau đó chạm vào và ngửi nó, đặt nó vào miệng và từ từ chậm rãi nhai, tập trung suy nghĩ về hình dáng, nước ép từ bên trong và vị ngọt của trái nho khô ấy. Khi làm như vậy, bạn như được thưởng thức trọn vẹn hương vị và thấy được độ hoàn hảo của thực phẩm, và dĩ nhiên là vô cùng ngon miệng", Trudy Scott chia sẻ.


Ảnh minh họa

Ngồi ăn quây quần cùng gia đình

Chính xác là ngồi ăn trên bàn cùng gia đình và bạn bè chứ không phải trước màn hình tivi. Luôn nói chuyện tích cực và lạc quan khiến bạn tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng, hiệu quả. Trong cuốn từ điển bách khoa về thực phẩm thời đại mới, nhà dinh dưỡng Rebecca Wood lại đưa ra lời khuyên khác giúp bạn cảm thấy bớt cô đơn khi ăn một mình là hãy dẹp bỏ những chiếc ghế thừa và đặt ảnh của những người bạn yêu thương nhất ở nơi gần nhất bạn có thể nhìn thấy họ.

Đừng ăn khi bị căng thẳng và lo lắng tột độ

Tình trạng căng thẳng tâm lý kinh niên, sự lo âu và trầm cảm sẽ làm giảm quá trình sản sinh axit hydrochloric và hạ thấp nồng độ bài tiết globulin miễn dịch A (SigA) - một dạng kháng thể đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình miễn dịch của ruột non. Quá trình này sẽ làm suy giảm chức năng tiêu hóa của bạn và khả năng tiêu hóa kém dẫn tới hiện tượng suy dinh dưỡng khiến việc giải tỏa stress trở nên khó khăn.

Trong trường hợp bạn cần ăn nhưng cảm thấy căng thẳng, lo lắng, hãy dành ra một vài phút để hít thở thật sâu và thực hiện các động tác thư giãn khác trước bữa ăn. Bạn cũng có thể nghe nhạc thư giãn trong khi ăn.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn