7 người phụ nữ làm thay đổi thế giới

Hariet Beecher Stowe – nhà văn, nhà hoạt động ủng hộ chủ nghĩa bãi nô

Bắc Bộ hửng nắng trong ngày 8/3

8/3: Top những bài hát quốc tế hay dành cho phái nữ

8/3: Chùm ảnh chế siêu hài về ngày Quốc tế phụ nữ

8/3: Nghe lại bài hát "She" - bản ca tuyệt vời trong "Notting hill"

Nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, CNN đã bình chọn danh sách 7 Phụ nữ đã làm thay đổi thế giới:

Hariet Beecher Stowe – nhà văn, nhà hoạt động ủng hộ chủ nghĩa bãi nô

Hariet Beecher Stowe (14/6/1811 - 1/7/1896) là một nhà văn có tầm ảnh hưởng lớn. Tác giả của cuốn sách bán chạy nhất năm 1852 “Túp lều bác Tôm” (Uncle Tom's Cabin) đã khiến cho phòng trào bãi nô tại Mỹ được đẩy mạnh.

Tổng thống Abraham Lincoln khi tiếp đón Beecher Stowe đã phải thốt lên rằng: “Bà là một người phụ nhỏ bé đã viết cuốn sách gây ra cuộc chiến vĩ đại này”.

Emmeline Pankhurst – người phụ nữ đòi quyền bầu cử cho giới mình

Emmeline Pankhurst

Emmeline Pankhurst (15/7/1858 - 14/6/1928) là người sáng lập Liên đoàn Xã hội và Chính trị Phụ nữ và người đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ.

Trong một phiên tòa diễn ra vào năm 1908, bà tuyên bố: “Chúng tôi ở đây không phải phá luật mà là người làm luật”. Năm 1999, bà là một trong 100 người quan trọng nhất của thế kỷ XX do tạp chí Times bình chọn.

Tuy nhiên, một điều đáng buồn là bà đã qua đời chỉ ba tuần trước khi luật cho phép phụ nữ bầu cử được thông qua.

Anne Frank – tác giả cuốn nhật ký nổi tiếng thế giới

Anne Frank

Cuốn nhật ký của Anne Frank (12/6/1929 - 12/3/1945) được viết khi Anne cùng gia đình ẩn náu trên căn gác mái trong thời gian chiếm đóng của quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ II. Trong đó có đoạn: “Những gì đã xảy ra không thể thay đổi được nhưng ai đó có thể ngăn chúng lặp lại lần nữa”.

Cuốn nhật ký chứa đựng tâm tư tình cảm và tinh thần lạc quan đến không ngờ của cô bé Anne bé bỏng. “Nhật ký Anne Frank” trở thành cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất thế giới, được dịch ra 67 ngôn ngữ, thậm chí được đưa vào phim ảnh và kịch nghệ.

Simone de Beauvoir – nhà văn, nhà triết học người Pháp

Simone de Beauvoir

Simone de Beauvoir (9/1/1908 - 14/4/1986) được biết đến với tác phẩm nổi tiếng “Giới tính thứ hai” (The second Sex) - một tác phẩm phân tích về sự áp bức phụ nữ và bình đẳng giới. Tác phẩm này đã từng gây ra tranh cãi lớn và cũng từng nằm trong danh sách những cuốn sách bị cấm. Mặc dù vậy, chính tác phẩm này đã giúp bà trở thành một nhà nữ quyền kinh điển, một người tiên phong trong phong trào phụ nữ quốc tế.

Rosalind Franklin – nhà khoa học góp phần quan trọng cho sự hiểu biết cấu trúc ADN

Rosalind Franklin

Franklin (25/7/1920 - 16/4/1958) được biết đến nhiều nhất qua công trình Photo 51 dẫn đến sự khám phá ra cấu trúc ADN. Khám phá này đã giúp bà và đồng nghiệp hiểu rõ được cách thông tin di truyền được truyền lại từ cha mẹ cho con cái. Franklin đã qua đời ở tuổi 37 vì bệnh ung thư buồng trứng.

Billie Jean King – Huyền thoại quần vợt nữ thế giới

Billie Jean King 

Billie Jean King (sinh ngày 22/11/1943) là một huyền thoại trong làng thể thao. Bà được biết đến nhiều nhất khi chiến thắng Bobby Riggs – một nam vận động viên cao ngạo trong “Battle of the Sexes” – một trận đấu thu hút hơn 30.000 khán giả trên sân và hơn 50 triệu người xem truyền hình trực tiếp.

Bà cũng góp phần to lớn khi giành quyền bình đẳng cho các vận động viên nữ khi yêu cầu các tổ chức trả mức tiền thưởng cân bằng giữa nam và nữ vận động viên.

Wangari Maathai – người sáng lập phong trào Vành đai xanh

Wangari Maathai 

Wangari Maathai (1/4/1940 - 25/9/2011) là người lập ra Phong trào Vành đai Xanh vào năm 1977, với mục đích hoạt động bảo vệ môi trường.  

Năm 2004, bà trở thành người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận được giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình. "Khi chúng ta trồng cây, chúng ta đang ươm mầm cho hy vọng và hòa bình", đó là câu nói nổi tiếng của bà Wangari Maathai khi được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2004.

Kim Chi H+ (Theo CNN)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội