Theo hồ sơ tòa án, các bị cáo lừa đảo với hình thức kê khống hóa đơn điều trị không cần thiết. Bản cáo trạng cho thấy gian lận y tế là một vấn nạn mang tính quốc gia ở Mỹ, như đổ thêm dầu vào vạc lửa đang cháy bừng bừng của ngành chăm sóc y tế khi lợi nhuận khổng lồ của nó đang là nguyên nhân cốt lõi của những tranh chấp dai dẳng khiến chính quyền Mỹ gặp trục trặc.
Trong cuốn sách “Sự khởi đầu của sự kết thúc” (của nước Mỹ), luật sư Michael Snyder viết: “Hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ đã trở thành một cỗ máy làm tiền vĩ đại, trong đó các hãng bảo hiểm
sức khỏe và các hãng dược hốt hàng núi bạc”.
Còn nữ thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (Đảng Dân chủ) đã cay đắng thốt lên rằng: “Mỹ là nước công nghiệp duy nhất dựa hẳn trên ngành công nghiệp bảo hiểm y tế vì lợi nhuận để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản”. Các con số của website Chính phủ Mỹ selectusa.commerce.gov minh chứng điều đó: năm 2010, tổng doanh số ngành này là 1.750 tỷ USD, và dự toán đến năm 2019 sẽ lên đến 4.500 tỷ USD.
Cũng theo nguồn này, nếu ngành y tế Mỹ mà là một nền kinh tế, đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới. Thế nhưng, vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với các gia đình có thu nhập thấp. Mỹ hiện có 50 triệu người không có bảo hiểm y tế, tương đương 16% dân số, cao nhất trong số các nước phát triển. Tổ chức Families USA ước tính khoảng 26.000 người Mỹ chết hằng năm do không có bảo hiểm y tế.
Ở Mỹ các chi phí điều trị qua trung gian các hãng bảo hiểm đồng chi trả với bệnh nhân tùy gói bảo hiểm đặt mua. Tại các bệnh viện của Mỹ, có một bộ phận tài chính chuyên tính tiền thuốc, chi phí và các dịch vụ y tế của bệnh nhân cho các công ty bảo hiểm. Điều đặc biệt là với mỗi công ty bảo hiểm, mức chi phí y tế là khác nhau. Vì thế, ở Mỹ, sẽ có những trường hợp bị cùng một bệnh, cùng điều trị tại một bệnh viện, nhưng hai bệnh nhân đóng bảo hiểm ở hai công ty bảo hiểm khác nhau nên hóa đơn bảo hiểm y tế của hai người hoàn toàn khác nhau. Người dân Mỹ có thể mua các gói bảo hiểm tùy theo nhu cầu và điều kiện cá nhân.
Tuy nhiên, với những trường hợp gói bảo hiểm chi trả quá thấp, thì với những hóa đơn viện phí lên đến hàng chục nghìn USD vẫn sẽ là… thảm họa tài chính. Dịch vụ y tế ở Mỹ rất đắt: mỗi lần đi khám bệnh có thể phải trả hàng trăm đô, tiền mua thuốc còn đắt hơn, và nếu phải nằm viện thì mỗi đêm có thể tốn 3.000 - 5.000 USD.
Hai diễn đàn xã hội nổi tiếng ở Mỹ là 9Gag và Reddit mới đây “nóng rẫy” khi xuất hiện một hóa đơn viện phí cao khủng khiếp: viện phí một ngày nằm viện vì đau bụng gồm tiền phòng, tiền thuốc, phòng hồi phục, dịch vụ đi kèm, chụp CT, gây mê… lên đến hơn 55.000 USD. Mỗi dịch vụ kỹ thuật đều được tính đến hàng nghìn USD. Đặc biệt, chi phí nằm tại phòng hồi phục lên tới 7.000 USD.
Sau khi trừ bảo hiểm, số tiền mà chủ nhân của tấm hóa đơn này còn phải trả cho bệnh viện là hơn 11.000 USD - một con số vẫn quá lớn cho một cơn đau bụng! Như vậy, có bảo hiểm cũng chưa hẳn đã yên tâm, nhất là khi đóng gói bảo hiểm thấp. Chính vì lý do này mà 41% số người Mỹ trong tuổi lao động mỗi khi đi bệnh viện đều gặp rắc rối với các hóa đơn viện phí của mình, và 60% số vụ khai “phá sản cá nhân” chủ yếu là do không có khả năng thanh toán hóa đơn bệnh viện cho dù 75% số người này đều có bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, Luật của Mỹ buộc các bệnh viện không được từ chối chữa trị bất cứ bệnh nhân nào đang gặp tình trạng khẩn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng tìm đến theo diện cấp cứu, dù cho họ không có bảo hiểm y tế, trong túi chẳng có một xu và bất kể quốc tịch.
Tất cả các bệnh viện đều phải đón tiếp bệnh nhân và sẽ thu phí của người bệnh sau khi chữa trị xong. Trong trường hợp bệnh nhân không có khả năng thanh toán viện phí, các bộ phận hành chính liên quan ở nước Mỹ sẽ xem xét điều kiện cá nhân của họ, tìm mọi cách để có được số tiền này, kể cả việc tịch biên nhà cửa. Một số trường hợp không có khả năng thanh toán sẽ được miễn trừ viện phí, nhưng họ sẽ bị xếp hạng tín dụng xấu và sẽ không được vay tiền ngân hàng, không thể làm thẻ tín dụng thanh toán trong nhiều năm là vấn đề nan giải trong xã hội Mỹ thường “dùng trước trả sau”.
Bình luận của bạn