Ấn Độ: Dùng dao lam rạch người để... trị bách bệnh

Những bức ảnh dưới đây cho thấy phương pháp chữa bệnh bằng trích máu từ thời cổ không những có tồn tại, mà còn phát triển rất mạnh mẽ trên các đường phố của thành phố Delhi, Ấn Độ.

Ông Hakim Ghyas, 79 tuổi là chủ một trung tâm y tế ngoài trời bên ngoài nhà thờ Hồi giáo lớn nhất thành phố. Hàng ngày, ông tổ chức chữa bệnh cho hàng trăm bệnh nhân.

Mặc dù lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Ấn Độ đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên rất nhiều người đã chọn chữa bệnh theo phương pháp trích máu thay vì các phương pháp hiện đại.

Ông Ghyas cho biết, phương pháp này có thể chữa được hầu hết các dạng viêm khớp, bệnh tim và thậm chí là ung thư máu giai đoạn đầu.


Bất chấp đau đớn, hàng trăm người tìm đến phương pháp kỳ dị này

Phương pháp trên đã được nhắc đến lần đầu trong các tài liệu cổ viết bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Phạn còn lưu lại từ hàng ngàn năm trước đây.

Theo đó, máu được rạch để chảy ra một cách có kiểm soát từ cơ thể người được gọi là "máu đã bị nhiễm bẩn". Giả thuyết cơ bản của liệu pháp này là máu không tinh khiết là nguyên nhân của tất cả các loại bệnh tật: nếu bạn khử được máu xấu ra khỏi cơ thể, bạn sẽ sản xuất ra máu mới và sức khỏe vì thế mà được phục hồi.


Để đạt được điều đó, có một vài bước một bệnh nhân cần phải trải qua. Tại cơ sở chữa bệnh này ở Delhi, các bệnh nhân trước tiên phải đứng dưới ánh nắng mặt trời khoảng nửa tiếng để cho máu lưu thông dễ dàng hơn. Sau thời gian đó, bệnh nhân vẫn trong tư thế đứng thẳng được buộc chặt người lại từ phần thắt lưng trở xuống bởi một sợi dây. Lúc này, thầy thuốc sẽ dùng dao lam để rạch nhiều vết lên thân thể họ cho máu chảy ra.


Thầy thuốc sẽ dùng dao lam rạch từng vết để máu chảy ra

Người ta đã tiến hành nghiên cứu để kiểm chứng xem phương pháp chữa bệnh "đầy đau đớn" trên có thực sự đem lại hiệu quả hay không.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2012, trên 60 bệnh nhân quá cân cho thấy, phương pháp này đã giúp làm giảm chứng tăng huyết áp. Ngoài ra, nó còn giúp giảm lượng "cholesterol xấu" và tăng lượng "cholesterol tốt". Các kết quả của nghiên cứu này đã được xuất bản trên tạp chí y học BMC thậm chí còn khiến cho các nhà khoa học rất ngạc nhiên.


Một bệnh nhân chuẩn bị được điều trị

Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y tế Hoa Kỳ cũng cho thấy, những người hiến máu 6 tháng một lần có ít nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ hơn. Người ta cho rằng đó là do lượng sắt trong máu bị giảm đi.

Ngoài các nghiên cứu nói trên, còn có các nghiên cứu khác ở nhiều nơi trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của phương pháp này. Có lẽ chính vì thế mà dù đau nhưng vẫn rất nhiều người muốn thử.

Theo Nguyệt Hân (ANTĐ)
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin