Lần đầu thực hiện thành công ghép tế bào gốc đồng loại bất đồng nhóm máu

Kỹ thuật ghép tủy tại Bệnh viện Trung ương Huế mang lại cuộc sống mới cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh huyết học di truyền hiểm nghèo - Ảnh: BVCC.

GE HealthCare và Bệnh viện Trung ương Huế hợp tác chiến lược

Podcast: Tại sao cần xét nghiệm, sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh?

5 triệu chứng thường gặp của bệnh Thalassemia

Những điều cần biết về bệnh thalassemia

Ngày 21/7, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện vừa tổ chức ra viện cho 3 bệnh nhi ghép tủy đồng loại điều trị bệnh Thalassemia (thiếu máu huyết tán bẩm sinh) (ca thứ 8, 9 và 10), cùng với bệnh nhi ghép tủy tự thân thứ 50.

Đáng chú ý, ca ghép thứ 9 và 10 là hai trường hợp ghép tế bào gốc đồng loại bất đồng nhóm máu, được thực hiện thành công đầu tiên tại Việt Nam bởi kỹ thuật thuật dung hòa miễn dịch, đánh dấu bước tiến quan trọng trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu, mở ra thêm cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh huyết học di truyền hiểm nghèo.

Cụ thể, ca ghép tế bào gốc tự thân thứ 50 được thực hiện cho bệnh nhi T.T.D (5 tuổi, trú tại tỉnh Lâm Đồng), mắc u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Sau giai đoạn điều trị tấn công có đáp ứng một phần, bệnh nhi được chỉ định ghép tế bào gốc tự thân vào ngày 6/5.

Đến ngày thứ 28 sau ghép, tiểu cầu và bạch cầu hạt phục hồi. Hiện, bệnh nhi được chuẩn bị xạ trị sau ghép.

Các ca ghép tủy đồng loại xuất viện được thực hiện trên các bệnh nhi từ 2-10 tuổi. Trong số đó, trường hợp ghép tủy đồng loại ở bé N.H.H (2 tuổi, đến từ tỉnh Bắc Giang cũ) và bé L.N.H (10 tuổi, đến từ Đà Nẵng) là hai trường hợp ghép có bất đồng nhóm máu.

Bệnh viện đã sử dụng biện pháp dung hòa miễn dịch trước ghép, nhằm hạn chế gạn tách hồng cầu trong túi tế bào gốc, giúp giữ tối đa số lượng tế bào gốc thu được.

Dù bệnh nhi L.N.H có biến chứng nhiễm trùng huyết nhưng đã phục hồi hoàn toàn, bạch cầu hạt và tiểu cầu phục hồi lần lượt vào ngày 16 và 19.

Tất cả các ca ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia đều có kết quả phục hồi tốt. Những đứa trẻ từng gắn chặt cuộc đời mình với những buổi truyền máu giờ đây đã trở thành những em bé khỏe mạnh, phát triển thể chất bình thường – một phép màu có thật nhờ sự tiến bộ của y học và sự tận tụy của đội ngũ y bác sĩ.

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức buổi lễ xuất viện cho 3 bệnh nhi được ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia và 1 bệnh nhi hoàn tất ca ghép tủy tự thân thứ 50 - Ảnh: BVCC

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức buổi lễ xuất viện cho 3 bệnh nhi được ghép tủy đồng loại điều trị Thalassemia và 1 bệnh nhi hoàn tất ca ghép tủy tự thân thứ 50 - Ảnh: BVCC

Như vậy, từ khi bắt đầu thực hiện kỹ thuật ghép tủy vào tháng 11/2019, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành 60 ca ghép tủy thành công ở trẻ em, bao gồm 50 ca ghép tủy tự thân cho các bệnh lý u đặc (như u nguyên bào thần kinh, u nguyên bào võng mạc di căn, Lymphoma non-Hodgkin tái phát) và 10 ca ghép tủy đồng loại cho bệnh lý tan máu bẩm sinh Thalassemia.

Ghép tế bào gốc là kỹ thuật y học hiện đại, mang tính đột phá trong điều trị nhiều bệnh lý về máu và ung thư, giúp trẻ chấm dứt sự lệ thuộc vào truyền máu, đồng thời kéo dài sự sống cho các ca mắc u ác tính. Bệnh viện Trung ương Huế tự hào là cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, và thứ ba trên toàn quốc triển khai kỹ thuật cao này.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, chỉ trong vòng 10 tháng kể từ ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên vào tháng 9/2024, bệnh viện đã thực hiện thành công 10 ca ghép đồng loại, trong đó có 8 ca phù hợp nhóm máu với người cho và 2 ca bất đồng nhóm máu. Đặc biệt, với hai trường hợp ghép bất đồng nhóm máu, lần đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật dung hòa miễn dịch tại Việt Nam, giúp tối ưu hóa chất lượng tế bào gốc thu được và nâng cao tỷ lệ thành công sau ghép.

GS Phạm Như Hiệp cho biết thêm, với những ca ghép bất đồng nhóm máu, bệnh viện không cần thiết phải gạn tách hồng cầu – vốn làm suy giảm hiệu quả tế bào gốc – mà thay vào đó là thực hiện phương pháp truyền nhỏ giọt nhóm máu của người cho vào cơ thể người nhận, với lượng tăng dần theo từng ngày, giúp giảm hiệu giá kháng thể. Khi hiệu giá này xuống dưới mức 1/32, việc gạn tách không còn cần thiết, giúp bảo toàn số lượng tế bào gốc.

Việc Việt Nam lần đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật dung hòa miễn dịch trong ghép bất đồng nhóm máu vào tháng 7/2025 là bước đi tiên phong, khẳng định năng lực hội nhập kỹ thuật cao trong y học.

Không chỉ mang lại hy vọng sống cho các bệnh nhi tan máu bẩm sinh, những thành công này còn mở ra triển vọng lớn trong điều trị các bệnh lý khác như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và ung thư tái phát cần ghép tủy đồng loại. Trong thời gian tới, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện kỹ thuật này, với mục tiêu mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo trên trong toàn quốc.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội