Ăn tiết canh, một bệnh nhân tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Bệnh nhân N.Đ.N. đang được theo dõi tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa

Ăn tiết canh: Chết dễ như chơi!

Suy đa phủ tạng vì mê tiết canh

Biểu hiện có thể bạn mắc bệnh liên cầu lợn

Lo ngại từ bệnh nhân tử vong vì liên cầu lợn

Ngày 20/3, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong 2 ngày 10 và 14/3, Bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân là anh N.Đ.N (SN 1967), ở xã Ba Đình và anh T.V.P (SN 1967), ở xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa). Hai bệnh nhân nêu trên nhập viện điều trị trong tình trạng sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, mệt mỏi toàn thân.

Đến ngày 18/3, tình trạng bệnh nhân T.V.P. diễn biến nặng, gia đình xin về nhà và đã tử vong. Riêng bệnh nhân N.Đ.N. sau 10 ngày theo dõi, điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tỉnh táo, nhưng thính lực giảm.

Theo người nhà bệnh nhân, cho biết: Ngày 5/3, anh N. và anh P. đi liên hoan kỷ niệm hội lính có ăn tiết canh, sau 5 ngày thấy bệnh nhân sốt cao, đau đầu, người nhà đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn điều trị không đỡ, nên chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều trị.

Hiện, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Thanh Hóa đã thông báo cho huyện Nga Sơn tăng cường giám sát, tuyên truyền đến người dân, nhất là các đối tượng cùng ăn trong buổi liên hoan với 2 bệnh nhân nêu trên để phát hiện sớm bệnh, tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người dân cần nâng cao ý thức tự giác phòng chống bệnh lây nhiễm từ liên cầu lợn. Để phòng bệnh, không được giết mổ lợn ốm, chết; không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh... Khi có biểu hiện sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy..., cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin