Biểu hiện có thể bạn mắc bệnh liên cầu lợn

Một bệnh nhân bị hoại tử khuôn mặt do mắc bệnh liên cầu lợn

Tử vong sau 3 ngày ăn thịt lợn bệnh: Nghi nhiễm liên cầu lợn

Lo ngại từ bệnh nhân tử vong vì liên cầu lợn

Bùng phát bệnh liên cầu lợn cuối năm

Tử vong do thiếu hiểu biết về bệnh liên cầu lợn

Bệnh do liên cầu lợn (Streptococcus suis) có ít nhất 3 type, nhiều type sống bình thường trên lợn mà không gây bệnh, nhưng phổ biến nhất là type 2 gây bệnh cho lợn và có thể lây sang người. Có thể phân lập vi khuẩn từ nhiều mô khác nhau, từ đường sinh dục của con cái. Vi khuẩn có thể tồn tại trong phân, bụi bẩn, xác lợn và cả những con ruồi, nhặng trong một thời gian dài.

Biểu hiện khi mắc bệnh liên cầu lợn

Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa. Trong bệnh liên cầu lợn hay gặp là nhiễm khuẩn huyết (vi khuẩn liên cầu lợn vào máu, nhân lên nhanh chóng và đồng thời tiết ra nhiều độc tố).

Khi nhiễm khuẩn huyết, ngoài các triệu chứng như trên, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng (sốc nhiễm khuẩn) biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp và có thể tử vong nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Một số trường hợp xuất hiện nhiễm độc đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa (đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu).

Người bệnh cũng có thể bị viêm màng não do vi khuẩn liên cầu lợn như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Nếu phát hiện sớm có thể cứu chữa được, nếu không thì có thể gây phù não, hôn mê và tử vong. Bệnh diễn biến rất nhanh, từ khi phơi nhiễm đến khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 3 ngày và từ khi bệnh khởi phát đến lúc toàn phát, nặng khoảng 1 ngày.

Tiết canh luôn tiềm ẩn nguy cơ chứa vi khuẩn liên cầu lợn

Hiện tại việc chẩn đoán bệnh liên cầu lợn ở tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do các cơ sở xét nghiệm vi sinh còn hạn chế, trong khi đó thì triệu chứng lâm sàng tương đối giống với một số bệnh nhiễm khuẩn khác.

Đường lây truyền của bệnh

Vi khuẩn cư trú ở amidan và mũi lợn khoẻ có thể tới 1 năm. Trong một đàn lợn lây truyền qua đường hô hấp, các chất bài tiết, máu của lợn bệnh, qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua kim tiêm nhiễm trùng. Lợn con có thể lây nhiễm từ lợn mẹ qua đường hô hấp, tiêu hoá, máu.

Bệnh lây từ lợn sang lợn, nhưng cũng có thể lây sang các gia súc khác như bò, dê, mèo, chó, hươu,…

Người bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với lợn ốm, ăn thịt lợn bị bệnh, ăn tiết canh, cũng có thể bị lây qua các vết xước.

Vi khuẩn có thể tìm thấy trong máu, dịch não tuỷ của người bệnh.

Phòng tránh

Lợn mua về nuôi phải rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi bằng các loại hoá chất như phenol, iod, hypochlorite, acid phenic 3 - 5%, formol 5%

Không mua bán lợn bệnh, người tiêu dùng nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết, phù nề thì không nên ăn vì chắc chắn đó là lợn bị bệnh. Không ăn thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Thịt lợn mua về cần nấu chín. Tuyệt đối không ăn thịt chưa nấu chín hoặc thịt sống, tiết canh, nem chạo, nem chua, món tái, đặc biệt là tiết canh vì trong máu lợn ốm có vô số vi khuẩn liên cầu lợn. Những người giết mổ lợn, phân phối, chế biến thịt lợn, phủ tạng lợn cần phải đi găng tay. Cần dùng riêng dao, thớt, dụng cụ chế biến thịt lợn sống và thịt lợn đã nấu chín. Khi nghi ngờ mắc bệnh do liên cầu lợn, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và xử trí kịp thời.

Vi Dũng H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm