Ba bố con cùng bị ngộ độc vì ăn thịt cóc

Hai bệnh nhân trên tên là Nguyễn Nhật Minh (8 tuổi), Nguyễn Nhật Minh Hải (3 tuổi) được chuyển đến từ Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Người nhà bệnh nhân cho hay, cả hai anh em Minh và Hải đều ăn món thịt cóc nướng vào bữa trưa ngày 21/9.

Mẹ hai bệnh nhân nhi cho biết, trưa 21/9, khi bắt được con cóc, chị đã thịt cóc, lột sạch ra, bỏ hết nội tạng nhưng lại để lại bộ trứng nướng lên cho hai con và chồng ăn.

Chỉ sau ăn chừng 30 phút, cả ba bố con đều có dấu hiệu mệt lả, nôn liên tục. Sau đó, gia đình đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lương Sơn cấp cứu. Người bố sau khi được truyền dịch tại Bệnh viện Lương Sơn tình trạng đã đỡ hơn, được xuất viện về nhà.


Hai cháu bé bị ngộ độc thịt cóc hiện sức khỏe đã ổn định. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hai cháu bé dù đã được truyền dịch nhưng sau đó vẫn phải chuyển đến khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai do tình trạng ngộ độc nặng hơn.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, may mắn là cả hai cháu đều bị ngộ độc nhẹ, mới có biểu hiện ngộ độc trên đường tiêu hóa, gây buồn nôn, nôn do ăn lượng rất ít. Vì thế, sau ba ngày truyền dịch thải độc, tình trạng các cháu đã ổn định.

Nói về những độc tố có trong thịt cóc, tiến sỹ Lâm Quốc Hùng - Cục An toàn Thực phẩm cho hay, trong con cóc, độc tố chỉ có một số bộ phận cơ thể như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan và buồng trứng. Độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa gây ra ngộ độc cấp tính. Ngộ độc thực phẩm do độc tố cóc xảy ra do ăn thịt cóc bị nhiễm độc tố (do nhựa cóc, gan, mật bị dập nát dính trên thịt cóc) và có trường hợp do ăn gan, trứng cóc.

Theo tiến sỹ Hùng, triệu chứng ngộ độc độc tố cóc biểu hiện cấp tính, xuất hiện từ 1-2 giờ sau khi ăn với các biểu hiện như bị chướng bụng, đau bụng trên rốn kèm theo nôn mửa dữ dội, có thể bị tiêu chảy; hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, sau đó loạn nhịp tim, trụy tim mạch, huyết áp lúc đầu cao sau đó tụt; rối loạn cảm giác...

"Ngộ độc do độc tố cóc tiên lượng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao nên cần phát hiện sớm, sơ cứu, cấp cứu kịp thời ở những trung tâm y tế mới có hiệu quả," ông Hùng phân tích.

Vì vậy, để dự phòng ngộ độc thực phẩm do ăn thịt cóc, theo cảnh báo của Cục An toàn Thực phẩm, người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành.

Trong trường hợp người dân nếu muốn sử dụng thịt cóc để ăn cần loại bỏ cóc tía (cóc có mắt mầu đỏ), thịt cóc theo đúng quy trình (cắt bỏ đầu dưới hai tuyến mang tai, chặt 4 bàn chân, lột da trong chậu nước, khoét bỏ hậu môn, loại bỏ hết ruột, trứng, gan, mật, rửa sạch nhiều lần dưới vòi nước sạch), chỉ lấy thịt, xương để chế biến thành thực phẩm.
doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn