Bài học phòng chống cúm A/H7N9 của Trung Quốc


Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

TS Wang Lili, Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Ủy Ban kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết: Từ tháng 10/2013, Trung Quốc có 134 quận báo cáo trường hợp mắc cúm A/H7N9. Trong đó, có 106 quận đã đóng cửa tất cả các chợ bán gia cầm trên địa bàn (với các chợ có trên 90% ca mắc cúm). Đến trước tháng 1/2014, trên 80% quận có ca mắc cúm xảy ra đồng thời đã ra lệnh đóng cửa chợ và tăng cường quản lý chợ bán gia cầm.

Ngay sau đó, Trung Quốc đã có những biện pháp triển khai về giám sát môi trường tại các chợ bán gia cầm sống để làm bằng chứng cho đánh giá nguy cơ. Thực hiện vệ sinh, khử trùng, hạn chế/không dự trữ qua đêm gia cầm sống, đóng cửa chợ luân phiên, đến tháng 3/2014 đóng cửa toàn bộ các chợ bán gia cầm. Tiến hành nâng cấp ngành chăn nuôi gia cầm, chợ buôn bán và tiêu thụ gia cầm sống.


TS Wang Lili trình bày tình hình phòng chống cúm A/H7N9 tại Trung Quốc

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ duy trì giám sát, điều trị lâm sàng và điều tra ca bệnh tại hiện trường. Phân tích khả năng biến thể của virus và sự thay đổi về phương thức lây truyền. Truyền thông, giáo dục sức khỏe và thay đổi quan niệm người dân về việc tiêu thụ gia cầm sống, đồng thời, cân bằng giữa công tác phòng chống dịch bệnh với việc phát triển và nâng cấp ngành chăn nuôi gia cầm.

Tại hội thảo, TS Wang Lili cũng có khuyến nghị và đề xuất với Việt Nam cũng như các nước trong trong khu vực: “Giống như bệnh lây truyền từ động vật sang người, chúng ta cần phải giám sát và kiểm soát dịch bệnh cúm A phù hợp với tuyên bố chung về “Một sức khỏe, một tiếng nói”. Nghĩa là cần tăng cường cơ chế phòng chống dịch bệnh liên ngành, chung mục tiêu, đồng nhất về chiến lược và biện pháp phòng chống dịch cúm A giữa các ban, ngành liên quan”.

Mặc dù Việt Nam đang ở tình huống chưa xuất hiện ca bệnh trên người nhưng cần nâng mức cảnh báo phát hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tại Việt Nam. Đồng thời, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế có khuyến cáo phòng chống cúm A/H7N9 tại cộng đồng:

1. Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.

2. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.

3. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

4. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

5. Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.

ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn