Báo động thực phẩm "bẩn"

Những hình ảnh thực khách ngồi tràn xuống lòng đường hay thản nhiên ăn uống bên cạnh cống nước thải đã trở nên rất quen thuộc ở những quán ăn vỉa hè ở các thành phố lớn. Điểm chung của các hàng quán này là thực phẩm bắt mắt, giá rẻ. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy thực phẩm bày bán vỉa hè khó đảm bảo, khó biết nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu.

Người dân Việt Nam có tâm lý dễ dãi trong vấn đề ăn uống, chỉ cần “khuất mắt” là có thể ăn ngon lành mà không quan tâm nhiều đến vấn đề vệ sinh. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Quản lý thị trường TP.HCM, qua kiểm tra lực lượng này phát hiện hàng ngàn vụ vi phạm về hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, hàng chứa chất độc hại...


Thực phẩm bẩn tràn lan ngoài thị trường

Số nguyên liệu “bẩn” này đưa vào các cơ sở chế biến thực phẩm, qua công đoạn chế biến và tẩm ướp hóa chất trôi nổi, độc hại và đưa ra thị trường, vào quán ăn, nhất là quán ăn vỉa hè ưa thích nguyên liệu giá rẻ. Từ đó, thực phẩm “bẩn” dễ dàng đi vào cơ thể “thượng đế” thích ăn... ngon mà rẻ.

Ở các quốc gia phát triển rất hiếm khi xảy ra ngộ độc thực phẩm hay con người bị bệnh tật mà nguyên nhân từ thực phẩm “bẩn”. Tại các quốc gia dang phát triển như Việt Nam mỗi năm các bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm rất cao. Theo một báo cáo chuyên ngành gần đây, từ 70 - 80% mẫu thức ăn đường phố bị nhiễm khuẩn E.coli, loại khuẩn gây ra bệnh tiêu chảy, viêm nhiễm đường ruột, dịch tả, nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, khả năng dẫn đến tử vong cao.


Tại VN, mỗi năm các bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm rất cao.

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được sản xuất theo quy trình và được chứng nhận bởi các viện kiểm chứng uy tín sẽ là cách tốt, hữu hiệu để tránh xa thực phẩm bẩn, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình.


CTV7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin