Bệnh nhân tâm thần: Gian nan vấn đề quản lý

Những vụ án mạng thương tâm

Trong vài ngày gần đây, dư luận không khỏi phẫn nỗ, bàng hoàng trước vụ án mạng một nam thanh niên thảm sát 4 người nhà tại Hải Dương. Cụ thể, vào ngày 2/8, Phạm Duy Quý sinh năm 1993, trú tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương dùng dao rựa ra tay thảm sát 4 người trong nhà. Quý đã sát hại bà nội, bố mẹ đẻ, chị họ và đã được phát hiện chết trong nhà tạm giam của Công an tỉnh Hải Dương hồi 15h chiều cùng ngày với tư thế treo cổ bằng màn ngủ.Qua điều tra, cơ quan công an xác định, Quý có dấu hiệu bị tâm thần, đã từng được gia đình đưa đi chữa trị nhưng không có bệnh án.


Đối tượng Phạm Duy Quý (kẻ gây ra vụ thảm sát giết chết 4 người thân rồi tự tử ở Hải Dương)

Trước đó, vào tháng 7/2014, tại thôn 10, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bà Lê Thị Toàn (SN 1964) và cụ Vũ Thị Nguyệt (SN 1926) bị giết chết bởi chính con trai cụ Nguyệt và cũng là chồng của chị Toàn - là Hoàng Văn Thanh (SN 1963) - một người có tiền sử mắc bệnh tâm thần nhiều năm.

Ngoài ra, một loạt các vụ án mạng đau lòng khác cũng liên quan đến người tâm thần như vụ án mạng xảy ra vào ngày 6.10.2013. Đối tượng Đỗ Văn Ngọ là người có tiền sử bệnh tâm thần, đã dùng kéo đâm 14 nhát giết chết vợ mình là chị Hà Thị Phượng tại nhà riêng ở thôn Chùa, xã Xương Giang, TP.Bắc Giang.

Tháng 7.2013, tại xóm Mu, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, ông Bùi Văn Khởi (SN 1953) đang ngồi hóng mát tại nhà thì bị con trai chém nhiều nhát từ phía sau gây tử vong. Kẻ gây án là Bùi Văn Xiển (SN 1989), đang mắc bệnh tâm thần.

Nguyên nhân dẫn đến án mạng liên quan đến người tâm thần

Một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng đó là nhận thức của người dân về căn bệnh tâm thần còn rất mơ hồ, thiếu kiến thức. Đa số người bệnh tâm thần chỉ biểu lộ suy nghĩ hành vi bất thường khi có cơn hoang tưởng ảo giác, kích động hoặc trầm cảm chi phối. Còn phần lớn, những người mắc bệnh tâm thần vẫn có tư duy, sinh hoạt nói năng tương đối bình thường cho nên rất khó nhận biết nếu không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp. Nhiều gia đình không tin là con em mình mắc bệnh mà cho là bị ma ám nên không đưa đi đến bệnh viện hoặc trung tâm.


Nhiều người tâm thần đi lang thang không được đưa tới bệnh viện hoặc trung tâm

Một số gia đình khác đưa con em mình đi bệnh viện chuyên khoa điều trị song khi bệnh ổn định trở về nhà đã không tự nguyện đưa người bệnh tham gia vào chương trình quản lý điều trị người bệnh tâm thần tại cộng đồng để được các thầy thuốc tiếp tục quản lý, thăm khám theo dõi và cấp phát thuốc điều trị định kỳ tại cơ sở y tế huyện, xã, phường mà thường là uống thuốc thất thường hoặc tự ý bỏ thuốc không điều trị theo chỉ dẫn của bác sỹ, không cho người bệnh tái khám nên bệnh đã tái phát nhiều lần trở thành mạn tính và mỗi lần tái phát thì bệnh có xu hướng nặng lên, nguy cơ đe dọa gây nguy hiểm cho gia đình, cộng đồng và chính bản thân người bệnh là rất lớn.

Một nguyên nhân nữa là do sự thiếu trách nhiệm của các cấp chính quyền. Theo quy định, Sở LĐTB-XH và UBND cấp xã phường phải có trách nhiệm đưa người bệnh tâm thần đi chữa trị. Nhưng thực tế khi người tâm thần trong khu phố la hét, gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác, đốt nhà…, người dân phản ánh thì công an cũng không có biện pháp gì, vẫn giao cho gia đình quản lý mặc dù gia đình không thể quản lý được hết. Không thể nói rằng công an không có trách nhiệm đối với hiểm họa từ người bệnh tâm thần, bởi bảo vệ an ninh trật tự xã hội chính là trách nhiệm của lực lượng công an.

Rất khó trong việc quản lý

Tại nước ta, người bị bệnh tâm thần nặng ước tính khoảng 2,5% trong số người rối nhiễu tâm lý, tương đương với 200.000 người. Tỷ lệ người bệnh tâm thần mãn tính chiếm 0,8% dân số (tương đương 730.000 người), trong đó tâm thần phân liệt chiếm 0,5% (430.000 người), động kinh chiếm 0,33% (290.000 người). Trên thực tế, số bệnh nhân được quản lý điều trị chỉ chiếm số lượng nhỏ. Còn phần lớn người bệnh vẫn đang ở thể tự do ngoài xã hội.

Bác sỹ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương cho biết người bị bệnh tâm thần phân liệt cần phải được điều trị và theo dõi lâu dài. Nhưng trên thực tế hiện có 80% bệnh nhân tâm thần mạn tính được quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng xã/phường. Tuy nhiên, ngay cả khi được theo dõi và điều trị bằng thuốc thì vẫn có tới 50% hay tái phát, 25%-30% thỉnh thoảng tái phát. Điều đáng lo là số bệnh nhân tâm thần trẻ tuổi (dưới 25 tuổi) đang gia tăng.

“Quản lý người tâm thần ở cộng đồng rất khó khăn. Người bệnh đã ổn định, trở về cộng đồng không được cộng đồng đón nhận, người nhà cũng nghi ngại, coi như là đồ bỏ đi, đồ ăn hại. Do đó, người tâm thần thường dễ bị buồn bực, kích động, giận dữ. Theo tôi, cần có chế tài cưỡng chế chữa bệnh tâm thần. Gia đình không thi hành là vi phạm, còn giấu bệnh của bệnh nhân thì phải chịu trách nhiệm về hành vi nguy hiểm sau này” – ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương.




CTV2
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin