Sởi bùng phát, trẻ chưa tiêm vaccine rơi vào nhóm nguy cơ cao

Thứ trưởng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi mới của Bộ Y tế

5 việc nên làm để phòng ngừa bệnh sởi

Tác hại lâu dài của bệnh sởi đối với hệ miễn dịch

Vitamin A có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh sởi không?

60% bệnh nhi chưa tiêm chủng hoặc chưa đến tuổi tiêm

Ngày 27/3, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, UBND TP Hải Phòng cho biết, từ đầu năm 2025 đến ngày 24/3, địa phương ghi nhận 382 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, trên 60% các trường hợp mắc chưa tiêm vaccine sởi.

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, đơn vị ghi nhận 1.894 ca mắc sởi từ đầu năm đến nay, cao gấp đôi con số 796 ca trong năm 2024. Trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện ghi nhận 13 ca tử vong do sởi, trong đó có những bệnh nhân mắc trên các bệnh lý phức tạp như viêm phổi, đẻ non, rối loạn chuyển hóa, teo đường mật, viêm màng não, teo đường mật...

Đáng chú ý, có đến 60% ca mắc sởi tại bệnh viện chưa được tiêm chủng, hoặc chưa đến tháng tuổi được khuyến cáo tiêm chủng đã mắc sởi. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện khám, sàng lọc cho khoảng từ 70-90 ca mắc sởi, có ngày cao điểm hơn 100 bệnh nhân.

Đoàn Công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đã kiểm tra công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đánh giá cao sự vào cuộc tích cực chủ động của 2 bệnh viện trong công tác điều trị bệnh sởi nói riêng và bệnh truyền nhiễm nói chung. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu hai đơn vị chuẩn bị các tình huống, sẵn sàng ứng phó cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với từng mức độ, quy mô để kịp thời đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong mọi tình huống. Trong trường hợp bệnh sởi tiếp tục gia tăng bệnh viện phải có tính toán quy mô luân chuyển các khoa như thế nào, phân luồng cách ly điều trị bệnh nhân ra sao để phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm. 

Đoàn công tác kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Đoàn công tác kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh nhân sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ động ứng phó với dịch sởi từ năm 2024 bằng cách sớm xây dựng kế hoạch ứng phó, phân luồng bệnh nhân, xét nghiệm, điều trị theo phác đồ, phát hiện sớm biến chứng và tiêm vaccine chủ động. Tuy nhiên, bệnh viện đối mặt với nhiều thách thức như số lượng bệnh nhân nội trú đông, phòng bệnh hạn chế, khó phân luồng, thời gian nằm viện kéo dài và khó kiểm soát sự giao lưu giữa bệnh nhân và gia đình. Ngoài ra, biểu hiện của bệnh sởi hiện nay không điển hình, gây khó khăn trong chẩn đoán.

Sởi tấn công người lớn

Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai điều trị một vài ca bệnh sởi diễn biến nặng

Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai điều trị một vài ca bệnh sởi diễn biến nặng

Sởi là bệnh lây lan nhanh qua virus, sau khi tiếp xúc với người bị sởi, tỷ lệ bị lây nhiễm bệnh lên đến 90% ở những người chưa tiêm vaccine. Do đó, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể mắc bệnh sởi khi chưa có miễn dịch.

Tại Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai từ cuối năm 2024 đến đã khám, điều trị cho 104 bệnh nhân mắc sởi, ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng. Có đến 75% bệnh nhân không nhớ mình có tiêm chủng hay không. 

TS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế đề nghị Viện Y học Nhiệt đới nghiên cứu dịch tễ các ca sởi người lớn để biết tỷ lệ miễn dịch cộng đồng đối với những ca sởi người lớn để có những khuyến cáo phù hợp.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng đề nghị 2 bệnh viện tăng cường công tác truyền thông để người dân biết, đưa con em đi tiêm chủng và phòng ngừa lây nhiễm sởi. Thách thực hiện nay là nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm phòng vaccine sởi. Nếu người mẹ không tiêm phòng thì trẻ cũng không có kháng thể bảo vệ trong những tháng đầu đời.  

 

Thực trạng bùng phát dịch sởi đi kèm tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng được ghi nhận tại nhiều nước có ngành y tế phát triển như Mỹ. Theo BS. Robert H. Shmerling, Biên tập viên cao cấp của Harvard Health Publishing, chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi đã ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh trên toàn nước Mỹ, khiến sởi được coi là đã bị xóa sổ vào năm 2000. Sự lây truyền của bệnh sởi trong cộng đồng chỉ có thể bị ngăn chặn khi tỷ lệ miễn dịch trong dân cư đạt trên 95%. 

Đợt bùng phát bệnh sởi hiện tại ở Mỹ hoàn toàn dễ hiểu khi tỷ lệ tiêm chủng giảm còn 92% vào năm 2023 (trong khi năm 2019 là 95%). Trong số những người mắc bệnh sởi, chỉ có 2% đã tiêm đủ các mũi vaccine. Còn lại là người không tiêm, tiêm không đầy đủ hoặc không nhớ đã tiêm chủng hay chưa.

Vaccine sởi khi tiêm đủ mũi có hiệu quả bảo vệ cao, không chỉ phòng bệnh mà còn hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nặng. Tuy nhiên, tình trạng chống đối vaccine đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ lệ tiêm chủng và sức khỏe cộng đồng. 

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin