Bệnh tả: Không khó điều trị

Bệnh tả (Cholera) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra, lây truyền bằng đường tiêu hoá. Bệnh có biểu hiện lâm sàng là tiêu chảy nặng và nôn nhiều lần, nhanh chóng dẫn đến mất nước và điện giải, trụy tim mạch, suy kiệt và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh được xếp vào loại bệnh “tối nguy hiểm”.

 

Trong năm 2014, dịch tả diễn biến phức tạp tại một số nước: Nam Sudan, Cuba, Cộng hòa Dominica, Haiti, Mexico; riêng tại Nam Sudan từ tháng 5/2014 đến nay đã có ít nhất 2.340 trường hợp mắc và 63 trường hợp tử vong.

Phẩy khuẩn tả

 

Tại Việt Nam, vụ dịch tả gần đây nhất xảy ra vào năm 2007-2009 tại 24 tỉnh, thành phố sau 6 năm liền không ghi nhận ổ dịch. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, nước ta cũng đã bắt đầu ghi nhận một số ổ dịch tiêu chảy cấp do E. Coli, nguyên nhân do điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, thiếu nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Việc vệ sinh cá nhân, thói quen phòng bệnh của người dân còn chưa cao là một trong những nguy cơ khiến các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Nguồn bệnh và đường lây của bệnh tả 

Nguồn bệnh chủ yếu là người bệnh và người mang khuẩn không triệu chứng. Phẩy khuẩn tả được đào thải theo phân ngay từ giai đoạn nung bệnh, nhưng nhiều nhất ở giai đoạn tiêu chảy. Bệnh nhân mắc bệnh tả có thể đào thải 107-108 vi khuẩn/ gram phân.

Phẩy khẩn tả có thể tồn tại và nhân lên ở động vật giáp xác (chủ yếu dưới biển) khi điều kiện môi trường không phù hợp, chúng cỏ thẻ chuyển sang trạng thái ngủ và có thể tồn tại hàng tháng, hàng năm. ở trạng thái này vi khuẩn có thể kháng lại chlorid và không thể nuôi cấy.

 

Đường lây truyền của bệnh tả

 

Bệnh lây theo đường tiêu hoá, cụ thể là đường phân-miệng thông qua nguồn nước, thực phẩm, rau quả... đặc biệt là một số hải sản như sò, ốc, hến được bắt từ những nơi ô nhiễm hoặc tay bẩn, dụng cụ ăn uống bị ô nhiễm, qua ruồi, nhặng, chuột, gián... làm lây lan mầm bệnh.

Dấu hiệu, triệu chứng thể bệnh thông thường 

Thời kỳ nung bệnh: Sớm nhất 12 - 24 giờ, dài nhất 10 ngày, trung bình 2-5 ngày.

Thời kỳ khởi phát (giai đoạn tiêu chảy nặng và nôn):

Bệnh khởi phát đột ngột là sự tiêu chảy dữ dội mà thường không có tiền chứng. Lúc đầu phân có thể ít, sệt sau nhanh chóng trở nên điển hình với tính chất: Lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh hoặc như gạch cua màu trắng nhạt. Đi ngoài dễ dàng, số lượng nhiều (tới 300-500ml/lần), nhiều lần (tới 30-40 lần hoặc hơn/ngày) làm cho tình trạng mất nước nhiều và nhanh: 10-15 lít/ngày hoặc 1lít/giờ ở người lớn.

Nôn xuất hiện sau khi tiêu chảy vài giờ. Nôn dễ dàng, số lượng nhiều, dịch nôn lúc đầu là nước và thức ăn, sau giống như dịch phân. Không đau bụng hoặc chỉ đau nhẹ, không có mót rặn.

Thường là không sốt, một số ít có sốt nhẹ (< 5%).Bệnh nhân mệt lả, khát nước, có dấu hiệu co rút cơ (chuột rút) nhanh chóng đi vào giai đoạn choáng.

 

Một người bị mất nước nghiêm trọng do bệnh tả

 

Thời kỳ toàn phát (giai đoạn choáng hay giá lạnh):

Thường xuất hiện sau vài giờ - 1 ngày kể từ khi phát hiện.Bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn, tiêu chảy hoặc đã giảm nhưng nổi bật là tình trạng choáng: Lờ đờ, mệt lả, nói thều thào đứt quãng hoặc không thành tiếng, hoa mắt, ù tai, thở nhanh nông, có khi khó thở. mặt hốc hác, mắt trũng sâu, má lõm, da khô - nhăn nheo và xanh tím, các đầu chi lạnh, rúm ró. Nhiệt độ < 35°C, mạnh nhanh nhỏ, khó bắt mạch quay. Huyết áp tụt (huyết áp tối đa < 80mmHg), tiếng tim mờ, có khi loạn nhịp. Bệnh nhân thiểu niệu hoặc vô niệu.

Thời kỳ hồi phục (giai đoạn “phản ứng” của cơ thể):

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau vài giờ, có khi rất nhanh (30 phút).Ngừng nôn sau vài giờ, da hồng trở lại, bớt khô, bệnh nhân đỡ lo lắng, mạch, nhiệt độ - huyết áp dần trở về bình thường. Tiêu chảybớt dần và ngừng sau 3-5 ngày. Bắt đầu đái được nhiều. Hồi phục hoàn toàn sau 5-7 ngày.

Chủ động phòng bệnh

Người bị mắc bệnh tả là do uống nước hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm phẩy khuẩn tả, vì vậy phòng chống tả là dựa vào việc hạn chế những rủi ro do ăn uống phải mầm bệnh.

Khi bệnh tả xuất hiện trong cộng đồng phải đưa ngay những người nghi tả tới cơ sở y tế điều trị. Khi phát dịch, thực hiện cách ly tại chỗ.

Thực hiện tốt giáo dục y tế trong cộng đồng, công tác truyền thông làm cho mọi người thấy rõ cần ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi, rửa tay sau khi tiếp xúc với bệnh phẩm và trước khi ăn, khi đun nấu, diệt ruồi, nhặng, chuột...

 

Rửa tay với xà phòng và ăn uống, ở sạch để phòng ngừa dịch bệnh tả

Khử trùng: Thải các chất thải đúng cách và xử lý nước thải phân của người bệnh tả và tất cả những vật dụng bị nhiễm như quần áo, giường chiếu là cần thiết. Tất cả các vật dụng tiếp xúc với bệnh nhân phải được khử trùng bằng nước nóng hoặc dùng nước javen nếu có thể. Bàn tay chạm vào bệnh nhân hoặc quần áo, giường chiếu của họ nên rửa sạch và khử trùng bằng nước clo hoặc các chất kháng khuẩn có hiệu quả khác.

Nước thải: Xử lý nước thải bằng các chất diệt khuẩn như clo, ozon, tia tử ngoại, hoặc các biện pháp khác trước khi thải nước vào nguồn tiếp nhận để ngăn ngừa lây lan bệnh.

Nguồn: Những cảnh báo về khả năng nhiễm khuẩn nên được dán xung quanh các nguồn nước bị nhiễm cùng các hướng dẫn cụ thể cho việc khử trùng (đun sôi, khử trùng bằng clo,...) trước khi sử dụng.

Lọc nước: Tất cả nguồn nước dùng trong uống, giặt giũ, nấu ăn nên được khử trùng như cách đã nêu trên là đun sôi, khử bằng clo, xử lý nước bằng ozon, tia cực tím hoặc lọc kháng khuẩn ở những nơi có thể có mặt bệnh tả.

Điều trị không khó

Về điều trị, có thể nói rằng bệnh tả không khó điều trị, và ít khi nào dẫn đến tử vong. Điều trị bệnh tả thường dựa vào các liệu pháp đơn giản như bồi phục nước và thay thế dung dịch (dung dịch đường uống như Oresol; dịch truyền như Natri clorid 0,9% hoặc Ringer lactat, Natri bicarbonat 1,4%Glucose 5%) hay trong trường hợp nghiêm trọng hơn thì thuốc kháng sinh (như tetracycline) có thể giảm lượng nước bị thải và giảm thời gian nằm viện.

Oresol hữu hiệu nhất cho việc bù nước

Tuy nhiên, ở trẻ em, có một liệu pháp điều trị hữu hiệu nhưng không nằm trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế: đó là bổ sung kẽm. Một nghiên cứu lâm sàng ở Bangladesh công bố trên tập san y khoa British Medical Journal (BMJ) cho thấy bổ sung kẽm có hiệu quả giảm thời gian mắc bệnh, giảm tình trạng mất nước.

Suy giảm hay thiếu kẽm là một vấn đề y tế công cộng ở nước ta.Ở trẻ em và ngay cả ở người lớn, thiếu kẽm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tả khoảng 10%, tăng nguy cơ bệnh sốt rét 56%, tăng nguy cơ bệnh viêm phổi 25%, và tăng nguy cơ tử vong khoảng 27%. Một số nghiên cứu mới đây còn cho thấy bổ sung kẽm chẳng những giảm nguy cơ mắc bệnh tả, mà còn giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và nhiễm trùng nói chung.Bộ Y tế có thể nên xem xét việc bổ sung kẽm ở trẻ em sinh sống trong những vùng có nguy cơ bệnh tả cao.

Việc điều trị dự phòng hiện nay chỉ cần thực hiện cho những người tiếp xúc trực tiếp, không còn áp dụng cho cộng đồng. Vaccine phòng tả chỉ bảo vệ được 3-6 tháng, tiêm vaccine không làm giảm được tỉ lệ những trường hợp bệnh không có triệu chứng, không chống được sự lan tràn của bệnh. Hiện nay đã có vaccine tả uống WC-BS (Whole cell plus B subunit) đã chứng tỏ hiệu quả bảo vệ tốt, cần uống nhắc lại sau 3-5 năm. Kỹ thuật tái tổ hợp để sản xuất vaccine B subunit đã được triển khai ở Việt Nam và đang được tiếp tục nghiên cứu.

Điều trị kháng sinh với bệnh tả

- Thuốc được dùng ưu tiên:

+ Nhóm fluoroquinolon (Ciprofloxacin 1g/ngày, Norfloxacin 800mg/ngày, Ofloxacin 400mg/ngày) uống chia hai lần/ngày, trong 3 ngày (Không dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú. Thận trọng khi dùng cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi).

+ Azithromycin 10 mg/kg/ngày uống trong 3 ngày.

+ Cloramphenicol 30 mg/kg/ngày uống chia 3 lần, dùng trong 3 ngày.

- Đối với trẻ em < 12 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú: Dùng azithromycin.

- Nếu không có sẵn các thuốc trên có thể dùng:

+ Erythromycin 1g/ngày uống chia 4 lần/ngày (trẻ em 40 mg/kg/ngày), dùng trong 3 ngày; hoặc

+ Doxycyclin 300 mg uống 1 liều (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).

Chú ý: Không được dùng các thuốc làm giảm nhu động ruột như morphin, opizoic, atropin, loperamide...

 

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa