Henrietta Lacks mới 31 tuổi khi cô qua đời vì bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore (bang Maryland, Mỹ). Các tế bào khối u của người phụ nữ nghèo, da đen này là điển hình vào thời điểm đó, nên đã được trích lấy và bảo quản mà "khổ chủ" không hay biết.
Số vật liệu gen trên sau đó đã được sử dụng để phục vụ gần 75.000 nghiên cứu, giúp mang tới các đột phá quan trọng trong nhiều lĩnh vực như điều chế vắc-xin, chữa trị ung thư và sinh sản.
Mặc dù hệ gen của "HeLa" đã tạo tiền đề cho ngành công nghệ sinh học trị giá hàng tỉ đô la, gia
đình Lacks chưa bao giờ được chia sẻ bất cứ lợi ích tiền bạc nào từ dòng tế bào có biệt danh "bất
tử".
Các tế bào HeLa đã được trích lấy và bảo quản, rồi chuyển tới các phòng thí nghiệm khắp nơi trên thế giới và được sử dụng cho gần 75.000 nghiên cứu khác nhau.
Mãi tới khi một nhà khoa học liên lạc để xin mẫu máu vào năm 1973, những người thân của Lacks mới hay biết rằng, các tế bào của cô không chỉ được trích lấy mẫu mà còn được cung cấp cho nhiều phòng thí nghiệm ở khắp nơi trên thế giới.
Theo thỏa thuận mới đạt được trong tuần này với Viện y tế quốc gia Mỹ - cơ quan giám sát các nghiên cứu y tế, gia đình Lacks vẫn không được trả bất kỳ khoản tiền nào nhưng có quyền kiểm soát một phần sự tiếp cận của giới khoa học đối với mã ADN trong các tế bào của cô, cũng như phải được thông báo về các nghiên cứu sử dụng chúng.
Thỏa thuận được đưa ra sau khi những người thân của Lacks dấy lên các lo ngại về quyền riêng tư khi các nhà nghiên cứu Đức cho công bố mã ADN của cô vào tháng 3 vừa qua. Rebecca Skloot, tác giả cuốn sách nổi tiếng về Lacks, đã tham gia thương thuyết dẫn đến thỏa thuận trên. Bà tuyên bố, gia đình Lacks chưa bao giờ đòi hỏi tiền bạc, nhưng không muốn bị "qua mặt" trong các nghiên cứu bắt nguồn từ những tế bào HeLa.
Bình luận của bạn