Không thuộc danh sách trả lời chất vấn nhưng Bộ trưởng Y tế cũng được chỉ định trả lời bổ sung về giá thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, giá thuốc Việt Nam luôn đứng thứ 9 trong thống kê của Tổng cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2013, mức độ tăng giá nhóm hàng dược phẩm là 3,45% thấp hơn mức tăng CPI 6,04% và đứng thứ 9 trên 11 nhóm hàng và 4 tháng đầu năm 2014 là 0,74% so với chỉ giá tiêu dùng là 0,88%.
Bà Tiến nói, mặc dầu mặt hàng rất nhạy cảm và thiết yếu nhưng cũng luôn đứng thứ 8 hoặc thứ 9 trong xếp hạng CPI.
Đối với các nước xung quanh, Bộ trưởng cho hay, Bộ Y tế cũng đã tổ chức một đoàn công tác liên ngành gồm Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Về các vấn đề xã hội và các chuyên gia đi khảo sát 36 mặt hàng phổ biến trong các bệnh viện ở 2 nước Trung Quốc và Thái Lan thì giá thuốc của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 đến 2 lần, thấp hơn của Thái Lan là 2 đến 3 lần.
Tổ chức y tế thế giới kết hợp với Viện Chiến lược chính sách cũng điều tra đánh giá khoảng 3.000 mặt hàng thuốc để xem sự tăng giá trong thời gian vừa qua thì nguyên liệu đầu vào tất cả đều tăng. Vậy giá thuốc của Việt Nam tăng như thế nào với tốc độ tăng của giá thuốc trên thế giới? “Họ đã đánh giá rằng đối với thuốc nội tốc độ tăng thấp nhưng đối với thuốc nhập khẩu thì tốc độ tăng mức trung bình. Qua đó thấy rằng giá thuốc của Việt Nam không phải là giá cao nhất, đặc biệt hiện nay chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa đề án ưu tiên người Việt Nam dùng hàng Việt Nam và có một hội đồng, trong tháng tới chúng tôi sẽ ra kết quả đầu tiên bình chọn những sản phẩm thuốc Việt Nam được tín nhiệm nhất một hội đồng độc lập để thuốc Việt sẽ tiến tới một tỷ lệ chiếm trọng cao hơn” - nữ Bộ trưởng giãi bày.
Theo bà, hiện nay thuốc Việt Nam chiếm 50% tổng số thị trường. Thực ra, ba Bộ Tài chính, Công thương và Y tế cũng phối hợp chặt chẽ trong tổ liên ngành cũng như các hội đồng chuyên môn và trong Luật Dược sắp tới. Bộ Y tế cũng mong muốn Bộ Y tế không nên quản lý giá. Bởi vì như vậy là vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng các tiêu chuẩn, vừa sản xuất, vừa phân phối, vừa ghi toa, vừa bán thuốc, mà thuốc thì người bệnh không thể mặc cả được đối với ngoài thị trường. Vậy thì khác nào là vừa đá bóng, vừa thổi còi.
Như kết luận của Chủ tịch Quốc hội trong Luật Dược, Bộ Y tế chỉ nên làm công tác chuyên môn. Trong luật này, chúng ta cũng muốn đột phá nữa là phát triển công nghiệp dược để trở thành mũi nhọn, tiến tới Việt Nam càng tự túc nhiều thuốc trong nước càng tốt.
Hiện nay cũng có một số thuốc đã được xuất khẩu, thuốc Việt Nam nói chung là chất lượng tốt và giá cả vừa phải. “Chúng tôi mong muốn làm sao có thuốc ở Việt Nam chất lượng mà giá cả vừa phải để phục vụ mọi người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, với quỹ bảo hiểm y tế” - bà Tiến nói.
Bình luận của bạn